Con gái tôi hồi hộp cả đêm, khi nghe thầy giáo chủ nhiệm thông báo về lịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Sáng sớm, không cần phải có động thái gọi dậy như thường ngày, con gái tôi đã chuẩn bị tươm tất để đến trường, với sự háo hức hệt như chờ đón ngày tựu trường vậy. Trước đó, con gái còn hỏi đi, hỏi lại: Cả lớp con sẽ được tiêm cùng một khung giờ phải không mẹ. Con muốn được gặp các bạn...
Sự nôn nao ấy chứng tỏ cháu khao khát được đến trường, được gặp gỡ thầy cô, bạn bè tới cỡ nào, sau thời gian dài phải học trực tuyến, bị “cấm túc” bất đắc dĩ tại nhà. Có lẽ, đó cũng là tâm trạng chung của đa phần các em học sinh, khi buộc phải học trực tuyến tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19.
Dù rằng, việc đến trường để tiêm vắc xin được bố trí theo khung giờ, cho từng khối, lớp riêng và tất cả đều tuân thủ 5K, các em chỉ được nhìn thấy thầy cô, nói chuyện với các bạn từ xa, trong khoảng cách cho phép, nhưng cũng đã là niềm hạnh phúc sau suốt nhiều tháng dài không được đến trường. Ở sân trường, các bạn í ới gọi nhau.
Cùng với cả nước, BR-VT đã hoàn thành đợt tiêm chủng mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 cho hơn 45,5 ngàn trẻ em từ 15-17 tuổi. Dự kiến, từ ngày 29/11 đến 4/12 sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 cho hơn 58,2 ngàn trẻ từ 12-14 tuổi. Như vậy, với việc bao phủ vắc xin, học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ yên tâm trở lại trường học để học tập trực tiếp khi bước vào học kỳ 2 của năm học 2021-2022 như kế hoạch Sở GD-ĐT đã đề ra.
Sở dĩ, việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho trẻ em của BR-VT không triển khai đại trà, đồng loạt cùng thời điểm, mà phân khúc từng độ tuổi nhằm bảo đảm an toàn trong tiêm chủng và phòng, chống dịch. Việc chia khung thời gian cho từng khối lớp cũng nhằm bảo đảm tuân thủ 5K khi thực hiện tiêm chủng. Đây cũng là yếu tố được phụ huynh đồng tình, đánh giá cao.
Một số địa phương trong cả nước đã cho học sinh trở lại trường để học tập trực tiếp sau 6 tháng phải học trực tuyến. Việc trở lại trường học trở nên yên tâm hơn khi các em được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ mũi. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các trường học không xây dựng phương án và bảo đảm mọi yếu tố an toàn cho cả giáo viên, học sinh khi trở lại trường học. Bởi, COVID-19 vẫn đang hiện hữu, số ca mắc vẫn liên tục gia tăng mỗi ngày và vắc xin chỉ có tác dụng giảm hại chứ không thể ngăn chặn triệt để sự lây nhiễm.
Vì vậy, song song với việc tiêm vắc xin và chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học, các trường cần chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, phương án phòng, chống dịch; kể cả liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để tuyên truyền, hướng dẫn cho các em tuân thủ phòng, chống dịch ngay từ khi ở nhà, trên đường tới trường và trong suốt thời gian ở trường học. Hiện nay, nhiều trường tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô, hoặc các em được đưa đón bằng xe dịch vụ, hợp đồng, việc bảo đảm phòng, chống dịch khi tham gia lưu thông bằng phương tiện này cũng nên được tính đến.
Kinh nghiệm ở Thái Lan, các trường học còn tổ chức chỗ ngồi riêng biệt bằng việc bố trí bàn ghế 1 chỗ ngồi và được bao bọc các phía bằng tấm chắn cao quá đầu học sinh. Mỗi em như được ngồi học ở 1 phòng riêng để ngăn chặn sự tiếp xúc, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của virus SARS-CoV-2 trong quá trình học tập ở trường. Chưa kể, mỗi học sinh đều sử dụng khẩu trang, đeo tấm chắn giọt bắn khi đến trường. Đây cũng có thể là một trong những biện pháp nên tham khảo cho các nhà trường.
Trên thực tế, không chỉ học sinh mà các thầy cô giáo và phụ huynh cũng mong trường học sớm mở cửa trở lại, để các em được sinh hoạt, học tập, vui chơi trong môi trường giáo dục đúng nghĩa, giảm thiểu những tác hại không mong muốn về mặt tâm lý và sức khỏe do học tại nhà. Và cơ hội đó đang đến gần, ít nhất là đối với những khối, lớp trong độ tuổi từ 12 đến 17.
LINH TRẦN