Đừng chủ quan, dù đã tiêm đủ 2 liều vắc xin

Thứ Ba, 23/11/2021, 21:42 [GMT+7]
In bài này
.

Xóm tôi vừa có một ca F0, thông tin truy vết được thông báo rộng rãi trên nhóm zalo của xóm. Hầu hết các thành viên trong xóm đều có chung thắc mắc: tại sao F0 ấy đã tiêm đủ 2 liều vắc xin vẫn dương tính với SARS-CoV-2 và những người hàng xóm đã lỡ tiếp xúc gần thì liệu có lây hay không, vì cũng được tiêm đủ 2 liều vắc xin cùng đợt với F0.

Ở một khu phố khác, cả gia đình một người bạn đã trở thành F0, buộc phải nhập viện điều trị. Gần như không sót gia đình nào thuộc khu phố ấy không có F0. Đó là hậu quả của việc chiều chiều, các nhà trong xóm vẫn giao lưu, trò chuyện mà không mấy ai chịu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách vì cho rằng ai cũng đã được bảo vệ bởi 2 liều vắc xin. Trong khi đó, theo khuyến cáo, việc tiêm đủ liều vắc xin trên thực tế chỉ giúp hạn chế lây nhiễm, giảm nhẹ triệu chứng và tử vong. Điều đó có nghĩa, dù đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin, việc nhiễm COVID-19 vẫn có thể xảy ra và có những trường hợp vẫn trở nặng, tử vong, tuy tỷ lệ này thấp.

Trong vài tuần qua, số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng. Hiện tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều đã ghi nhận ca mắc, kể cả Côn Đảo. Đó là hồi chuông cảnh báo sớm cho việc nếu chủ quan, dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại trên diện rộng. Và việc lực lượng tuyến đầu được “giảm áp” khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới” có thể không còn như mong đợi! Đơn cử, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu đã buộc phải nâng cấp độ dịch lên cấp độ 4 và phong tỏa toàn xã trong 2 tuần, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/11. 

Dù không phủ nhận tác dụng phòng bệnh khi tiêm đủ 2 liều vắc xin, nhưng việc tiêm đủ 2 liều vắc xin chỉ là một lá chắn phòng dịch mà thôi. Thực tế cho thấy, COVID-19 vẫn tấn công người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin. Mầm bệnh COVID-19 vẫn còn hiện hữu trên con người, trên vật dụng, trên các bề mặt, trong môi trường kín, thậm chí cả trong không khí. Tâm lý chủ quan cho rằng có thể thoải mái sống chung với dịch, cho rằng có mắc bệnh cũng sẽ không sao vì không triệu chứng, hoặc chỉ triệu chứng nhẹ do đã tiêm rồi… chính là tạo cơ hội để vi rút tấn công cộng đồng. Người thiệt thòi nhất, chịu ảnh hưởng nhất sẽ là những người yếu thế về sức khỏe, trong đó có người già, người có bệnh lý nền và trẻ em.

Theo dự báo từ các chuyên gia, diễn biến dịch COVID-19 có thể còn phức tạp hơn, số ca nhiễm mới sẽ còn gia tăng, do mầm bệnh đã âm thầm có trong cộng đồng, một phần do tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ liều vắc xin, từ đó buông lỏng, không tuân thủ thực hiện quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là 5K. Trong khi đó, dịp lễ Giáng sinh và năm mới đang cận kề, nếu tâm lý chủ quan này không được loại bỏ, có thể tình hình sẽ càng tồi tệ thêm và việc nâng cấp độ dịch là khó tránh khỏi.

Ở thời điểm này, rất cần nâng cao và củng cố chiến lược phòng dịch lâu dài của các đơn vị, địa phương, kể cả ở từng khu phố, từng thôn, ấp và từng người dân. Cá nhân hóa việc chống dịch chính là mỗi người tự bảo vệ mình một cách cẩn trọng nhất, để bảo đảm cho quy mô lớn dần là gia đình, rồi đến thôn, ấp và cả cộng đồng. Cần phải thiết lập những quy định cứng để tổ chức lại không gian an toàn của mình, dần tạo thói quen ăn sâu trong sinh hoạt hàng ngày, để không nhiễm bệnh và không là nguồn lây. Ở các tổ dân cư, cơ quan, đơn vị, rất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện 5K của từng cá nhân, nhắc nhở kịp thời, tránh tụ tập đông người và không giữ khoảng cách an toàn theo quy định.

Nghị quyết 128 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” mở ra cơ hội “bình thường mới” nhưng không có nghĩa là được trở lại cuộc sống bình thường như trước khi dịch bùng phát. Vì vậy, dù việc tiêm vắc xin đã được bao phủ rộng, nhưng cuộc chiến với COVID-19 vẫn còn cam go, kéo dài, mỗi chúng ta vẫn có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào, nguy cơ trở nặng vẫn có thể xảy ra. Bởi, vắc xin chỉ giảm nguy cơ, chứ không loại bỏ triệt để nguy cơ!

HẠ VY

 

;
.