Văn hóa soi đường

Thứ Tư, 24/11/2021, 23:08 [GMT+7]
In bài này
.

“Quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ ngày đầu thành lập tới nay chính là văn hóa phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Không chỉ quan tâm phát triển văn hóa, Đảng ta đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa quần chúng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc. Văn hóa rất gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng… ấy chính là văn hóa. Ngược lại, những xấu xa, bỉ ổi chính là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”.

Những tràng vỗ tay tán thưởng, đồng tình của các đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11 đã vang lên khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan niệm giản dị của ông về văn hóa và khẳng định ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Xác định kim chỉ nam để xây dựng văn hóa và con người Việt Nam thời đại mới, khát vọng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Sau 75 năm, kế thừa những tinh hoa đã đúc rút được từ hai Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946, 1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của văn hóa, cấp thiết định vị và hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam mà cốt lỗi là tinh thần yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước.

Các văn kiện của Đảng khẳng định phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, coi văn hóa là động lực tinh thần của sự phát triển. Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu xây dựng hệ giá trị Việt Nam như một nhiệm vụ cấp bách sau 35 năm đổi mới.

Những năm qua, các phong trào, hoạt động văn hóa đã tạo môi trường tốt, nuôi dưỡng và phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc. Lĩnh vực văn hóa đã đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa có những chuyển biến tích cực. Những lúc đất nước khó khăn, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và lan toả lạnh mẽ trong cộng đồng. Trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, đã nổi lên những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội tốt đẹp; nhiều gương người tốt, việc tốt được nhân rộng, phát huy. Thế nhưng nhưng bên cạnh đó, hệ giá trị văn hóa Việt Nam cũng có những biểu hiện  đáng lo ngại. Đạo đức xã hội xuống cấp, môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai; Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài. Tình trạng tha hóa, thói vô cảm có dấu hiệu phổ biến; Lòng vị tha, đức khoan dung ngày càng trở nên hiếm hoi. Hệ luỵ của sự “khủng hoảng văn hóa” dẫn đến niềm tin vào Đảng, vào chế độ, vào tương lai của đất nước phần nào bị suy giảm. Các thế lực thù địch lợi dụng khai thác nhằm chống phá nhà nước, hạ thấp giá trị, uy tín con người và văn hóa Việt Nam.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc mang ý nghĩa “xốc lại hành trang” giúp nhận thức đúng, sâu sắc, toàn diện quan điểm của Đảng về văn hóa, thực hành văn hóa làm sao để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đây cũng là thời điểm để “chấn hưng văn hóa”, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, giữ gìn và làm giàu có thêm bản sắc, tâm hồn dân tộc, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới đồng thời tiếp thu có chọn lọc giá trị văn hóa của nhân loại. Tất nhiên, một nội dung không kém phần quan trọng nữa là xây dựng nền văn hóa số phù hợp với sự phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ số, môi trường lành mạnh cho sự phát triển nhân cách của công dân số trong tương lai.

Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng những quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn được đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ sớm được thể chế hóa, khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa, hình thành, hoàn thiện nên nhân cách con người Việt Nam, góp phần “soi đường cho quốc dân đi” trong chặng đường tiếp theo của đất nước.

TRƯƠNG TÙNG

;
.