.

Khi DN "khát" lao động

Cập nhật: 20:15, 03/10/2021 (GMT+7)

“Công ty TNHH E-Top Việt Nam có 3.000 lao động, trong số này chỉ có khoảng 200 công nhân duy trì “3 tại chỗ” để hoạt động từ hơn 2 tháng qua. Số lao động còn lại phần lớn là khác huyện hoặc ở ngoại tỉnh. Do vậy, DN đang gặp khó khăn về nhân lực, bởi lao động nội tỉnh thì phải chờ xin cấp giấy đi đường, lao động ngoại tỉnh chưa được phép quay lại làm việc”.

Trên đây là chia sẻ của ông Tseng Chu En, Giám đốc Hành chính Công ty TNHH E-Top Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1) về nỗi lo thiếu hụt lao động khi công ty bắt tay ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh thời hậu COVID-19.

Những ngày này trên các phương tiện truyền thông, chúng ta nghe, thấy rất nhiều những lo lắng “rối bời” như thế từ các DN.

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư bùng phát mạnh cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hàng triệu lao động trong các khu chế xuất, KCN, CCN trong nước đã phải ngừng hoạt động, tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương. Thống kê cho thấy, trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, chỉ còn chưa đến 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do DN đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được kiểm soát, DN nhiều địa phương đã bắt tay phục hồi, tái sản xuất trong những tháng cuối năm. Thế nhưng việc thu hút người lao động trở lại làm việc - nhất là lao động có kinh nghiệm và tay nghề không hề dễ.

Khó, bởi đến giờ này tỷ lệ người lao động ở các KCN BR-VT được tiêm vắc xin còn rất thấp. Để bảo đảm an toàn cho sản xuất, các DN phải đáp ứng nhiều điều kiện phòng chống dịch, trong đó có việc xét nghiệm sàng lọc định kỳ bằng phương pháp PCR tối thiểu 5-7 ngày/lần cho các bộ phận có nguy cơ cao, tốn thời gian, chi phí và là gánh nặng của nhiều DN…

Khó, bởi để được vào nhà máy, lao động nội tỉnh phải chờ xin cấp giấy đi đường mà việc này có khi mất hết cả tuần. Đó là lý do vì sao nhiều DN kiến nghị được tự ký giấy đi đường, ký cam kết với chính quyền địa phương, Ban Quản lý các KCN tỉnh và tự chịu trách nhiệm.  

Khó, vì hàng chục ngàn lao động ngoại tỉnh đã về quê và đến nay họ vẫn chưa thể quay lại nơi làm việc trong khi một số đã chuyển đổi sinh kế.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, nếu không sớm có giải pháp đưa lao động trở lại làm việc sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lao động nơi thừa nơi thiếu, ảnh hưởng xấu đến việc khôi phục sản xuất thời hậu COVID-19, làm giảm đà tăng trưởng GDP, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để giải bài toán “khát” lao động, cần một chiến lược, chương trình mang tầm quốc gia, cả hệ thống vào cuộc với bàn tay điều phối của Chính phủ đi cùng những quyết sách, chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía Trung ương để làm cơ sở cho các địa phương huy động nguồn lao động trở lại như nhận định của TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Tuy nhiên, trong các giải pháp phục hồi thị trường lao động hậu COVID-19, vai trò của chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng rất quan trọng. Ngành LĐTBXH, cụ thể là các Trung tâm xúc tiến việc làm có thể triển khai nhiều biện pháp giúp DN giải quyết nạn thiếu hụt lao động, đón đà phục hồi kinh tế. Trước mắt là ứng dụng công nghệ thông tin để nắm bắt nhu cầu lao động của các DN, kết nối với công nhân, lao động đang “tản mát” ở nhiều nơi. Nhiều chuyên gia lao động dự báo số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70% sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung - cầu lao động. Thông tin này cũng cần được các DN nắm chắc để kịp thời có những chính sách tái đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở… để đưa lao động tái tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng dịch cho người lao động cũng là cách bù đắp lao động, không để DN bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất.

Khi DN được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các biện pháp thích ứng an toàn trong trạng thái “bình thường mới”, dịch vụ giới thiệu việc làm “liên thông” được với người lao động, “cơn khát” thiếu lao động hậu COVID-19 của các DN sẽ không còn là mối bận tâm lớn của DN, sở ngành và các địa phương.

TRƯƠNG TÙNG

.
.
.