Mở cánh cửa tri thức
Công đoàn cơ quan tôi vừa phát động cán bộ, nhân viên quyên góp ủng hộ tiền mua thiết bị di động thông minh (smartphone) để học trực tuyến cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ sau 2 ngày phát động, Công đoàn đã nhận được 14 triệu đồng và nhanh chóng xúc tiến thủ tục mua smartphone tặng những HS cần.
Trước đó, giữa tháng 9, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 của con tôi cũng kêu gọi phụ huynh ủng hộ tiền mua smartphone tặng HS có hoàn cảnh khó khăn của trường. Sau 3 ngày phát động, lớp đã nhận được 7,5 triệu đồng, cùng 2 chiếc máy tính bảng (trị giá 2,6 triệu đồng/chiếc) để gửi về nhà trường nhằm giúp đỡ HS có điều kiện học trực tuyến.
Đây là một trong những hoạt động thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em”, do đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động vào tối 12/9. Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện. Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những HS, SV có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em HS đang ở vùng có dịch COVID-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) để các em có điều kiện học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình cũng đặt mục tiêu trong năm 2021 phủ sóng di động toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc và huy động 1 triệu máy tính cho HS, SV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc.
Tại thời điểm phát động, ước tính có tổng số khoảng 1,5 triệu HS ở 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần được hỗ trợ máy tính/smartphone. Riêng tại BR-VT, ngành GD-ĐT thống kê tính đến cuối tháng 8, toàn tỉnh có khoảng 45 ngàn HS thiếu thiết bị học trực tuyến. Sau khi năm học mới diễn ra tròn 1 tháng, đến ngày 30/9, ngành giáo dục và các địa phương trong tỉnh đã vận động được khoảng 43.500 thiết bị để trao tặng các em. Như vậy, chỉ còn khoảng 1.500 HS thiếu thiết bị để học trực tuyến. Chương trình vận động vẫn đang tiếp tục được thực hiện và chúng tôi tin tưởng rằng, chỉ ít ngày nữa, số HS còn lại sẽ có đủ thiết bị này.
Đây là một chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng, được phát động trên phạm vi cả nước và đã được các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương cũng như các tập đoàn lớn và nhiều phụ huynh hưởng ứng. Ngay tại Lễ phát động, các ngành: TT-TT; GD-ĐT; ngân hàng; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN; các tỉnh, thành phố, các DN, tổ chức quốc tế đã cam kết ủng hộ hơn 1 triệu máy tính, với trị giá hơn 2.500 tỷ đồng; đầu tư 3.000 tỷ đồng để phủ sóng, hưởng ứng chương trình.
Chương trình đã và đang mang lại cơ hội học tập trực tuyến bình đẳng cho tất cả các HS, đặc biệt là HS ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa - nơi có điều kiện kinh tế, xã hội chậm phát triển, khả năng phủ sóng Internet còn hạn chế. Nếu thuận lợi, trong năm nay, HS ở mọi miền đất nước sẽ được cung cấp đủ sóng Internet để học trực tuyến, để không có HS nào bị bỏ lại phía sau.
Dịp đầu năm học mới, bên cạnh những bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập, hàng trăm ngàn HS có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước còn nhận được smartphone và hàng ngàn suất học bổng để tiếp tục đến trường. Với nhiều em, chiếc smartphone là vật dụng mơ ước, chứa đựng kho tàng tri thức rộng lớn đang chờ khám phá. Không chỉ vậy, những chiếc smartphone này còn gửi gắm bao niềm tin, sự kỳ vọng của người trao tặng, là công cụ và động lực để các em nỗ lực học tập, nắm bắt tri thức, trở thành con ngoan trò giỏi, lớn lên thành người có ích cho xã hội.
Thiết bị học tập hữu ích này còn mở ra cánh cửa vào đời đầy hứa hẹn cho các em với hành trang tri thức thu thập được trong quá trình học tập và sử dụng. Nhưng, để chúng phát huy tác dụng, phụ huynh, nhà trường, thầy cô giáo cần giám sát, hướng dẫn các em sử dụng món quà đúng mục đích, hiệu quả, tránh sa đà vào những trò chơi vô bổ hay có đủ kiến thức và bản lĩnh để tránh được những cạm bẫy vốn giăng đầy trên môi trường mạng.
NGUYỄN ĐỨC