.

Không để chợ cóc, chợ tạm "hồi sinh"!

Cập nhật: 20:32, 26/09/2021 (GMT+7)

BR-VT đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ (trừ các khu vực đang áp dụng lệnh phong tỏa) được 4 ngày. Tranh thủ những ngày đầu được nới lỏng giãn cách, nhiều người đã đi khám chữa bệnh, mua thuốc, lương thực, thực phẩm, sửa xe… Các hàng quán cũng nhộn nhịp dọn dẹp, chuẩn bị mở cửa phục vụ khách hàng.

Trong bối cảnh một số dịch vụ kinh doanh được phép hoạt động trở lại, người ta chợt nhớ đến các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Không ít người đặt vấn đề cho dù có trở lại trạng thái bình thường mới, thành phố cũng không nên để chợ cóc, chợ tạm tái hoạt động. Đã “đóng cửa” thì dịp này đóng hẳn luôn!

Xin được nhắc lại rằng, để kiểm soát tốt hơn công tác phòng chống dịch COVID-19, kể từ 12 giờ ngày 3/7, TP. Vũng Tàu đã yêu cầu tạm dừng hoạt động tất cả các chợ cóc, chợ tự phát trên địa bàn. Đến thời điểm này, quyết định nói trên của TP. Vũng Tàu vẫn còn hiệu lực.

Chợ cóc, chợ tạm có mặt ở hầu hết các phường của TP. Vũng Tàu, trong đó có một số phường có từ 2 đến 3 chợ. Cơ quan chức năng TP. Vũng Tàu ghi nhận có 9 “điểm nóng” về trật tự đô thị, tập trung ở các chợ cóc, chợ tự phát này. Các chợ cóc, chợ tạm trên các tuyến đường Trần Bình Trọng, Trương Công Định, Đô Lương, Cô Giang, Lưu Chí Hiếu có quy mô và hoạt động tấp nập hơn cả. Chính quyền, lực lượng chức năng TP. Vũng Tàu đã nhiều lần vào cuộc quyết liệt nhằm xóa bỏ tình trạng chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng lề đường gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng dẹp đầu này chợ lại họp đầu kia, nhiều lần rồi đâu lại vào đấy.

Còn nhớ cuối tháng 2/2020, TP. Vũng Tàu đã đồng loạt ra quân lập lại trật tự đô thị với mục tiêu xây dựng thành phố sạch đẹp, trật tự, văn minh. Kết quả thật đáng mừng: Lòng, lề đường ở các chợ cóc, chợ tạm đã trở nên thông thoáng; Tình trạng xe máy dừng, đỗ không đúng nơi quy định, các loại bảng, biển quảng cáo, bàn ghế, thùng nhựa, hàng hóa… do các hộ kinh doanh cơi nới, “trưng dụng” để buôn bán cũng không còn. Đáng mừng hơn khi lãnh đạo thành phố khẳng định, sẽ duy trì việc xử lý nghiêm việc vi phạm cho đến khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè chấm dứt, không còn chợ cóc, chợ tạm. Nhưng, thành quả đó không giữ được lâu, chỉ một thời gian mọi thứ lại… trở về như cũ.

Nhắc lại một vài “chuyện cũ” để thấy rằng chợ cóc, chợ tạm thực sự là một bài toán khó, muốn giải quyết rốt ráo cần những giải pháp đồng bộ, lâu dài.

Trong thời điểm BR-VT đang tính toán từng bước mở cửa dần, sớm phục hồi kinh tế, điều mà người dân quan tâm là làm sao để tới đây khi trở lại trạng thái bình thường mới, các chợ cóc, chợ tạm ở TP. Vũng Tàu sẽ không tái hoạt động, kéo theo một loạt những hệ lụy như mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và ATVSTP.

Trong 3 tháng giãn cách xã hội, người dân đã “tạm quên” chợ cóc, chợ tạm, quen dần với hình thức “đi chợ” qua điện thoại, zalo, facebook… Đây là thời điểm để xử lý dứt điểm, quyết liệt, không để chợ cóc, chợ tạm “hồi sinh”. Với những hệ lụy do nó mang lại, chợ cóc, chợ tạm không có lý do gì để tồn tại. Và, với những gì đã và đang diễn ra, có thể khẳng định việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, không phải là “bất khả thi”.

Để giải quyết triệt để nạn chợ cóc, chợ tạm, rất cần sự tham gia tích cực của mỗi người dân bằng việc thay đổi thói quen mua sắm. Mặt khác phải sớm quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân.

UBND TP. Vũng Tàu đã từng xây dựng “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè” với những quy định cụ thể, thiết thực. Theo đó, thành phố sẽ vừa chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vừa bảo đảm an sinh cho người dân bao năm nay sống bằng nghề buôn bán trên vỉa hè. Đối với tuyến đường nào tập trung kinh doanh buôn bán nhiều, sẽ dành một phần vỉa hè phục vụ cho nhu cầu của người dân và quy định rõ khu vực nào dành cho người đi bộ, vị trí nào được để xe, chỗ nào được làm nơi kinh doanh, buôn bán. Thành phố đã thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường đối với một số tuyến đường. Thực hiện đề án này cũng là cách để TP. Vũng Tàu “xóa sổ” chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.