.

Thận trọng để giữ gìn thành quả

Cập nhật: 23:38, 24/09/2021 (GMT+7)

Khuya 22/9, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 13417/UBND-VP về việc tiếp tục thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ 00h ngày 23/9, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, trừ những khu vực đang bị phong tỏa và huyện Côn Đảo (riêng huyện Côn Đảo được áp dụng Chỉ thị số 19).

Sau hơn 2 tháng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh đánh giá: “Đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát”. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, cứng rắn, hiệu quả và sự hợp tác, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây liên tục giảm mạnh, chỉ ở mức 1 con số và hầu hết chỉ ghi nhận trong các khu cách ly, phong tỏa, còn số ca bệnh ngoài cộng đồng rất ít. Ngày 23/9, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3 ca bệnh và đều trong khu cách ly, phong tỏa. Đồng thời, tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh cũng rất cao, tính đến ngày 23/9, toàn tỉnh đã có 3.905/3.951 ca khỏi bệnh.

Không chỉ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương mà cả cộng đồng DN và người dân đã chờ đợi giây phút được nới lỏng giãn cách này từ lâu. Do vậy, khuya 22/9, thay vì đi ngủ sớm, nhiều người đã háo hức ngóng chờ UBND tỉnh ban hành văn bản chính thức về nới lỏng giãn cách. Ngay sau khi văn bản được ban hành, nhiều người đã chia sẻ trên mạng xã hội và các nền tảng Internet. Sáng 23/9, một số người dân đã ra đường như để giải tỏa căng thẳng, nỗi bí bách do thực hiện “ai ở đâu ở đó” quá lâu. Người dân thì mong sớm được đi tắm biển, tập thể dục, đi chợ, siêu thị bình thường. Chủ cửa hàng kinh doanh, hàng ăn uống thì mong sớm được mở cửa trở lại... Chúng ta có thể hiểu, cảm thông và chia sẻ với những nhu cầu và đòi hỏi chính đáng của người dân, bởi họ đã phải ở yên trong nhà trong một thời gian dài, còn người kinh doanh thì phải nghỉ bán hàng, mất thu nhập, trong khi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng.

Tuy vậy, virus SARS-CoV-2 vẫn còn lẩn khuất đâu đó, nên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chỉ cần chúng ta lơ là, dịch có thể quay trở lại. Bởi lẽ, dịch bệnh ở một số tỉnh, thành lân cận còn diễn biến phức tạp, trong khi hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa vẫn phải lưu thông bình thường. Bên cạnh đó, một số người thiếu ý thức, trốn từ các tỉnh, thành phố có dịch về địa phương nhưng không khai báo y tế và đã được phát hiện nhiễm bệnh. Tỷ lệ người dân toàn tỉnh được tiêm vắc xin còn thấp... là những nguy cơ thường trực.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn nhất quán chủ trương “Phòng, chống dịch - Phát triển kinh tế - An dân”. Theo đó, công tác phòng, chống dịch được quan tâm hàng đầu theo phương châm “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó”. Sự thận trọng này là rất cần thiết, bởi nhiều chuyên gia y tế và thực tế diễn biến dịch đã khẳng định, các biến thể của virus SARS-CoV-2, như biến thể Anh và biến thể Ấn Độ có thể lây truyền qua không khí. Bài học về sự chủ quan, lơ là, tập trung đông người dẫn đến dịch bệnh bùng phát trở lại đã xảy ra ở một số tỉnh, thành và ở một số quốc gia khi chưa kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Người Việt Nam thường nhắc những người mới khỏi bệnh, đại ý như: mới khỏi bệnh, sức khỏe chưa hồi phục, nên hạn chế ra đường (vì sợ gió, mưa lại mắc bệnh trở lại). Đợt dịch thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và kinh tế-xã hội của tỉnh BR-VT nói riêng và cả nước nói chung và hiện nay, BR-VT cũng có thể ví như một người mới khỏi bệnh, cần thêm thời gian nghỉ ngơi, tịnh dưỡng để sức khỏe hồi phục hoàn toàn.

Những việc bảo vệ thành quả phòng, chống dịch không chỉ là trách nhiệm của chính quyền hay của riêng ai mà cần có sự chung tay, góp sức của mỗi người dân thông qua việc thực hiện nghiêm 5K và theo yêu cầu của UBND tỉnh tại công văn nói trên: Tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, cùng với các lực lượng tuyến đầu quyết tâm mở rộng, bảo vệ vùng xanh; nghiêm túc chấp hành giãn cách xã hội; hạn chế tối đa ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Có như vậy, kết quả phòng, chống dịch mới có tính bền vững, cuộc sống mới trở lại trạng thái bình thường mới.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.