Sống chung an toàn với COVID
Trong suốt gần 3 tháng qua, anh Nguyễn Quốc Văn rất hiếm khi ra khỏi nhà, dù khu phố anh đang sinh sống là vùng xanh, chưa hề ghi nhận ca mắc COVID-19 hay các trường hợp liên quan. Anh Văn làm việc online. Mọi nhu cầu bình thường khác được tạm gác qua một bên. Mỗi lần cần nhu yếu phẩm, gia đình anh đều đặt online, nhận hàng tại chốt.
Tất nhiên rằng, sự thay đổi trong sinh hoạt của gia đình do tuân thủ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với anh Văn và các thành viên là không dễ dàng gì. Nhưng dần cũng thành thói quen, kể cả việc đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách với mọi người, dù đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.
Trong suốt nhiều tháng qua, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đã kiên trì đồng lòng với chính quyền trong thực hiện Chỉ thị 16, tuân thủ “ai ở đâu ở đó” để chống dịch COVID-19. Vùng xanh vì thế đã dần lan tỏa, chiếm lĩnh các vùng vàng và đỏ trên bản đồ dịch tễ.
Liên tục trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 đang giảm nhiều tại BR-VT. Nhiều địa phương duy trì “0 ca mắc mới” trong nhiều tuần liền, như Côn Đảo, Châu Đức. Kết quả bước đầu này thể hiện sự đồng lòng của người dân và nỗ lực của chính quyền các cấp, từ tỉnh tới cơ sở trong cuộc chiến với dịch.
Tuy nhiên, diễn biến của dịch COVID-19 vẫn được đánh giá là phức tạp. Tại các tỉnh lân cận, số ca mắc tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Kể cả tình hình dịch trên thế giới vẫn nhiều nguy cơ khó lường. Ngay cả các nước có tiềm lực kinh tế vẫn bị động, khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh. Các nhà khoa học cũng đã khẳng định, khó có thể “xóa sổ” COVID-19 và xác định cuộc chiến vẫn còn kéo dài… Việc “sống chung” với COVID-19 là tất yếu và mỗi chúng ta cần thích ứng để an toàn.
Tại BR-VT, tỉnh cũng đã tính đến các phương án đáp ứng với thực tế khi phải “sống chung” lâu dài với COVID-19. Bên cạnh việc kiểm soát dịch, BR-VT cũng đang bước nới lỏng việc phong tỏa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống người dân ở các mức độ khác nhau, tùy thực tế từng địa phương.
Để kiềm chế và từng bước kiểm soát được dịch bệnh, yêu cầu hàng đầu là tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, bao gồm xét nghiệm trọng điểm, điều trị hiệu quả và bao phủ vắc xin trong dân số ở mức rộng nhất có thể.
Cùng với tiếp tục thực hiện nghiêm quy định 5K, 5T của Bộ Y tế, chúng ta cần có những điều chỉnh tích cực, hình thành các mô hình chung sống an toàn với dịch bệnh; thực hiện giãn cách xã hội ở những khu vực phức tạp nhằm làm chậm lây nhiễm nhưng cần thực hiện nguyên tắc phong tỏa ở diện hẹp nhất, nhỏ nhất để hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân và sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục sản xuất, kinh doanh cần theo nguyên tắc mở cửa trở lại có lộ trình, từng bước có kiểm soát.
BR-VT đã có những khởi đầu phù hợp với tình hình mới khi 4 địa phương đã chuyển qua thực hiện Chỉ thị 15, người dân đang từng bước được trở lại cuộc sống ở trạng thái “bình thường mới” với những nới lỏng phù hợp tình hình thực tế. Người dân cũng được khuyến cáo “sống chung an toàn với COVID” khi vẫn tuân thủ 5K, 5T trong mọi sinh hoạt thường ngày, kể cả với những người đã tiêm vắc xin.
Trên thực tế, độ bao phủ vắc xin của BR-VT hiện chưa cao, nhưng trong thời gian tới có thể mỗi ngày sẽ được tăng lên. Cùng với tốc độ bao phủ vắc xin ngày càng cao, đòi hỏi cần có cơ chế đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh. Có thể xem xét việc xác nhận đã tiêm vắc xin như là “giấy thông hành” cho người dân, DN, người lao động trong di chuyển, sản xuất kinh doanh và các hoạt động khác. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ tối đa cho các DN để giảm bớt khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo nguyên tắc bảo đảm sản xuất và an toàn phòng dịch.
Chủ trương phong tỏa ở diện hẹp nhất đang được BR-VT đẩy mạnh, nhưng rất nên nới lỏng thêm các chính sách đối với những vùng xanh đang dần áp đảo ở các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16. Đồng thời, cần nghiêm cấm các địa phương và cơ quan chức năng ban hành các quy định không phù hợp, không đúng thẩm quyền gây cản trở sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa.
Để có thể “sống chung an toàn với COVID-19” phụ thuộc nhiều vào sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp hài hòa các giải pháp toàn diện từ tất cả các cấp, ngành, đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó là sự kết hợp với ý thức tuân thủ quy định phòng ngừa dịch bệnh của mỗi cá nhân, đơn vị, DN.
LINH TRẦN