Giữa dịch bệnh nhưng tại Công ty TNHH Pavonine Vina (KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ), các dây chuyền sản xuất luôn vận hành nhịp nhàng, khẩn trương. Tin vui là công ty đã có đơn hàng đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, có được đơn hàng nhưng tổ chức sản xuất ra sao để hiệu quả và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp là bài toán không dễ. Lúc này, sự linh hoạt của DN chính là yếu tố quan trọng nhất để vượt qua khó khăn, khắc phục những thách thức.
Theo ông Lee Minseog, Giám đốc Nhân sự Pavonine Vina, cùng với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ không để dịch bệnh lây nhiễm vào nhà máy, công ty đang chia 3 ca làm việc và dự trữ kho hàng. Đơn hàng nào đến hạn được ưu tiên, đơn hàng nào còn thời gian sẽ được sắp xếp theo lượt. Kế hoạch sản xuất vẫn đảm bảo, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, nhờ đó đối tác tin tưởng ký kết đơn hàng đến năm sau.
Trong khó khăn, từng DN với những cách thức riêng đang nỗ lực mỗi ngày để giữ đơn hàng, tìm kiếm thêm các hợp đồng. Chắt chiu, tận dụng từng cơ hội dù nhỏ nhất, nhiều DN đã nhận được đơn đặt hàng đến cuối năm 2021 và lên kế hoạch mở rộng sản xuất cho năm 2022. Bởi theo các DN, khi thị trường và các nhu cầu của thế giới trở lại bình thường, họ sẽ không bị động và hụt hẫng. Thông tin từ Bộ Công thương cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2021 đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, trong quý IV, nếu các DN trở lại hoạt động kịp thời với các đơn hàng dịp cuối năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021 vẫn có thể đạt mức trên 600 tỷ USD. Đặc biệt, với việc các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA được ký kết và có hiệu lực trong thời gian qua như “con đường cao tốc”, đưa DN đến với thị trường toàn cầu. Nếu biết khai thác triệt để, dư địa để DN phục hồi và phát triển vẫn còn rất nhiều.
Khảo sát của Tổng cục thống kê trong 3 tháng cuối năm cho thấy, 73,7% DN đánh giá xu hướng tốt lên hoặc ổn định so với quý III; chỉ có 26,3% dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 79,4% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn và giữ ổn định so với quý III. Những con số thống kê cho thấy sự kỳ vọng của DN vào 3 tháng còn lại của năm 2021. Đây cũng được xem là cơ hội cuối cùng để DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời giữ khách hàng và thị trường, bù đắp phần nào thiệt hại trong thời gian qua.
Tuy nhiên, khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn đó khi nhiều DN không thể quay lại thị trường vì thiếu vốn, mất khách hàng, thị trường, không còn lao động làm việc… Điều này đòi hỏi những chính sách hỗ trợ đặc biệt để giúp DN có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu kép mà Chính phủ và tỉnh đặt ra trong năm 2021. Cùng với nỗ lực của DN, rất cần sự đồng hành lâu dài, chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Ngoài chính sách khơi thông dòng vốn về lãi suất, thuế hay hỗ trợ người lao động, cần lắm những chính sách kịp thời, với mục tiêu rõ ràng, quy định tiêu chí cụ thể nhằm định hướng và kích thích DN tham gia xây dựng kế hoạch tái sản xuất, giữ được cơ hội cho mình và cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.
NGÔ GIA