Gói an sinh

Thứ Tư, 08/09/2021, 23:51 [GMT+7]
In bài này
.

Tuần trước, Phúc - một người em đồng hương - vốn là nhân viên kế toán của một DN du lịch nhắn tin, ngần ngại hỏi mượn tiền. “Tiền dành dụm em tiêu hết sạch rồi chị ạ. Hôm trước tập tành buôn rau, không thuê được shipper, không có giấy phép kinh doanh, bán loanh quanh trong hẻm nhưng cũng vừa bị phạt tiền vì vi phạm Chỉ thị 16”, Phúc buồn bã nói.

Từ đợt dịch COVID-19 đầu tiên, công ty của Phúc đã tạm ngưng hoạt động. Trong lúc chưa tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành kế toán, Phúc đành chuyển qua phụ việc cho một nhà hàng. Nhưng những đợt dịch COVID -19 liên tiếp đã khiến cho nhà hàng cũng phải đóng cửa. Phúc lại chuyển qua bán trà sữa online. 2 tháng giãn cách xã hội, việc bán online không thể tồn tại. Chồng Phúc cũng thất nghiệp cả tháng nay khi công ty dừng 3 tại chỗ. Không còn nguồn thu nhập nào trong khi gia đình 4 người vẫn phải duy trì cuộc sống. “Trong 2 tháng giãn cách, khu phố, phường cũng tặng gạo, rau, trứng, mì. Mới đây em vừa được nhận gói an sinh do UBMTTQ tặng. Nhưng không thể trông chờ mãi vào gói an sinh. Hết dịch, gia đình em chắc sẽ về quê”, Phúc chia sẻ.

Gia đình Phúc cũng như hàng triệu hộ lao động nghèo và công nhân ở các nhà máy tạm nghỉ việc ở nhà trông chờ vào sự giúp đỡ lương thực, thực phẩm cũng như các chính sách an sinh xã hội. Do đó, các hình thức hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 cần được thực hiện khẩn trương, chính xác.

Nhiều quyết sách an dân cũng được triển khai khẩn cấp. Gói an sinh 26.000 tỷ đồng (Nghị quyết 68) của Chính phủ, quy định cụ thể 12 chính sách hỗ trợ lao động, DN khó khăn do đại dịch cũng được các địa phương cấp tập triển khai. Tại BR-VT, đã có hơn 21 ngàn gói an sinh gồm nhu yếu phẩm và thuốc, vật tư y tế do UBMTTQ Việt Nam tỉnh triển khai, hỗ trợ người dân trong các khu phong tỏa. Thống kê cũng cho thấy, đến ngày 7/9, đã có 233 tỷ đồng được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ quỹ vắc xin và hỗ trợ phòng, chống COVID-19 trong thời gian từ khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Chính sách miễn, giảm học phí học kỳ 1 cũng đang được tỉnh triển khai thực hiện nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh HS năm học mới 2021-2022, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống như hiện nay… Nhưng sẽ rất còn nhiều việc cần phải làm, đó không chỉ là mở rộng vùng xanh mà lớn hơn, là vùng an dân.

Sau cuộc họp trực tuyến với các xã, phường, huyện, thị, thành ngày 8/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh quyết định kéo dài áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 đối với TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ và huyện Long Điền. Huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15. Như vậy, cuộc chiến với dịch COVID-19 vẫn còn dài. Việc đảm bảo cuộc sống cho người dân vẫn là điều quan trọng nhất trong lúc này. Là một trong những trung tâm thu hút lực lượng lao động đến từ mọi miền đất nước, muốn giữ họ ở lại, việc bảo đảm an sinh là hết cần thiết. Đây cũng là giải pháp quan trọng cho quá trình phục hồi kinh tế xã hội sau các đợt dịch, để những người như Phúc, sẽ không còn tính đến chuyện đưa cả gia đình về quê.

NGÔ GIA

;
.