Xã phường - "pháo đài" chống dịch !

Thứ Hai, 06/09/2021, 23:38 [GMT+7]
In bài này
.

Phương châm “mỗi xã phường là một pháo đài chống dịch” một lần nữa được Chính phủ khẳng định, xem đó là một chiến lược quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở nước ta.

Tại buổi họp trực tuyến của BCĐ với 1.060 xã, phường, thị trấn, 209 quận, huyện, thị xã của 20 tỉnh, thành phố hôm 29/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã dành thời gian phân tích kỹ về phương châm lấy xã, phường làm pháo đài chống dịch. Theo người đứng đầu Chính phủ, xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất; cấp ủy, chính quyền xã, phường nắm bắt cặn kẽ, thấu hiểu diễn biến dịch bệnh, đời sống của dân nhanh nhất, rõ nhất. Có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự đồng thuận của người dân, công cuộc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh sẽ thuận lợi, nhanh chóng. Ngược lại, nơi nào lãnh đạo xã, phường lúng túng, chậm trễ, lơ là, việc chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể dẫn đến hậu quả, nguy cơ.

Với việc thiết lập trung tâm chỉ huy, kiểm tra trực tuyến về công tác phòng chống dịch từ phòng làm việc của Thủ tướng hôm 2/9, việc “gia cố” các “pháo đài” thêm vững chắc được nâng lên một bước. Từ phòng làm việc của mình, người đứng đầu Chính phủ có thể kiểm tra đột xuất hay thường xuyên các xã, phường bất cứ lúc nào, đồng thời có điều kiện lắng nghe trực tiếp kiến nghị, đề xuất từ cơ sở gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cán bộ xã phường đa đoan công việc. Khối lượng công việc những ngày đối phó với dịch bệnh lại càng nhiều. Đây là đầu mối tổ chức trực tiếp các hoạt động phòng chống dịch, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân; chủ trì phối hợp nhằm bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát quy trình cách ly F0, xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin đến quản lý giãn cách, bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Để có thể hoàn thành khối lượng công việc đó, đòi hỏi mỗi xã phường phải có các kịch bản phòng chống dịch phù hợp tại địa bàn, hình thành một hệ thống phòng, chống dịch bố trí tới tận các tổ dân phố, xóm, thôn. Và, trên tất cả, cán bộ xã phường phải xông vào các “điểm nóng”, theo dõi tình hình thực tế dịch bệnh để có hướng xử lý kịp thời.

Cùng với việc tăng cường nguồn lực cán bộ cho “pháo đài” xã phường đủ sức phòng chống dịch, nhiều địa phương đã xử lý nghiêm những cán bộ chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác chống dịch. Trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch, việc lãnh đạo các tỉnh, thành xử lý nghiêm các cán bộ thiếu trách nhiệm càng làm cho dân tin tưởng hơn vào mục tiêu, biện pháp phòng chống dịch của chính quyền. Cán bộ các sở, ngành, địa phương cũng lấy đó làm bài học để điều chỉnh bản thân.

Quán triệt phương châm “mỗi xã phường là một pháo đài chống dịch” của Chính phủ, thời gian qua - nhất là từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 cho đến nay, BR-VT đã chú trọng tăng cường, “gia cố” sức mạnh cho “pháo đài” phường, xã. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để mỗi người dân thật sự là “chiến sĩ”, mỗi xã, phường là “pháo đài” phòng, chống dịch. Gần đây nhất là tổ chức cho lãnh đạo 82 xã, phường dự họp trực tuyến với BCĐ Phòng, chống dịch cấp tỉnh, qua đó giúp lãnh đạo xã phường nắm rõ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời, từ đó triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Thực tiễn hoạt động, phòng chống dịch thời gian qua đã khẳng định một đội ngũ lãnh đạo, cán bộ xã phường năng lực, xông xáo, dấn thân phục vụ nhân dân. Những cán bộ này đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm tình hình dịch bệnh, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân về mọi mặt đời sống. Tất nhiên, BR-VT cũng không “châm chước, cho qua” những trường hợp lơ là trong công tác phòng, chống dịch. 

Theo nhận định của BCĐ Phòng, chống dịch tỉnh, BR-VT hiện đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch, nhưng chưa trở về trạng thái “nguy cơ” như mục tiêu đã đề ra. Điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân những ngày tới tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa. Điều đó cũng đặt ra và thôi thúc lãnh đạo các xã phường “xốc lại” tâm thế, xông xáo, năng động hơn trước nhiệm vụ đưa xã, phường địa phương mình thật sự là “pháo đài” đi đầu trong việc khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.