.

Bất an với người bệnh tâm thần

Cập nhật: 17:39, 12/04/2021 (GMT+7)

Lại thêm một vụ án mạng gây chấn động dư luận mà hung thủ là người mắc bệnh tâm thần. Vụ việc xảy ra vào tối 4/4. Chị Vũ Thúy H., nữ nhân viên Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên đang dọn rác trước nhà số 302, Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội thì bất ngờ bị một nam thanh niên dùng gạch đập nhiều lần vào đầu, làm chị H. tử vong tại chỗ. Cơ quan chức năng nhanh chóng xác định nghi phạm là một người có tiền sử bệnh tâm thần. Cái chết của nữ công nhân lương thiện một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về những hành vi bộc phát, khó lường của những người mắc bệnh tâm thần, đặt ra vấn đề giám sát, quản lý các đối tượng này hiệu quả hơn.

Tình trạng người mắc bệnh tâm thần gây ra các vụ tự sát, giết người, đốt nhà… ngày càng nhiều trong thời gian gần đây dẫn đến những hệ lụy đau lòng. Đau xót là nạn nhân của các vụ án nghiêm trọng đó hầu hết đều là người thân của nghi phạm.

Theo quy định của pháp luật, người mắc bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, pháp luật hiện hành lại thiếu các quy định chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mặt khác, không phải tỉnh, thành phố nào cũng có bệnh viện, khoa tâm thần. Nguồn nhân lực ở nhiều địa phương thiếu trầm trọng, nhất là bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Những bất cập này đã khiến cho người bệnh tâm thần không được quản lý chặt chẽ và điều trị đúng cách.

Theo các chuyên gia tội phạm học, người mắc bệnh tâm thần có nguy cơ gây án hình sự cao hơn người thường gấp 3-4 lần. Tuy nhiên, nếu được khám và điều trị kịp thời, đầy đủ, bệnh sẽ được khống chế, hậu quả đối với xã hội, cộng đồng sẽ giảm. Hiện nay, những nước phát triển có xu hướng để người bị bệnh tâm thần sống chung với cộng đồng chứ không đưa họ vào bệnh viện - trừ những trường hợp quá đặc biệt. Chính phủ chú trọng phát triển ngành công tác xã hội để cộng đồng cùng tham gia với đội ngũ y tế theo dõi, điều trị bệnh nhân tâm thần. Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng này.

Người bệnh tâm thần khi đã lên cơn kích động sẽ rất nguy hiểm với cộng đồng, những người xung quanh. Để ngăn ngừa nguy cơ người tâm thần gây án, điều quan trọng là phải phát hiện sớm. Với những trường hợp nặng, gia đình phải báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế đưa bệnh nhân vào ngay bệnh viện tâm thần điều trị, tuyệt đối không được giấu tình trạng bệnh, không được che giấu những “sát thủ tâm thần”. Trên thực tế, không ít bệnh nhân phát bệnh, gia đình không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời đã dẫn đến những hệ lụy đau lòng; Cần cấp thiết xây dựng thêm hành lang pháp lý, ban hành các quy định về quản lý, bắt buộc chữa bệnh đối với những người có biểu hiện bệnh. Cộng đồng không nên có sự kỳ thị, xa lánh với người bệnh tâm thần. Họ cũng có nhu cầu được trò chuyện, được chăm sóc, được yêu thương và chia sẻ. Bên cạnh đó, gia đình cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quan tâm, chăm sóc người bệnh tâm thần. Nhiều chuyên gia về tâm thần học khẳng định, bên cạnh điều trị bằng thuốc, việc kết hợp các liệu pháp khác như can thiệp về tâm lý, gần gũi, chia sẻ người mắc tâm thần sẽ dần bớt bệnh. Sống trong tình yêu thương, chăm sóc, đùm bọc của gia đình, người bệnh tâm thần sẽ dễ hòa nhập hơn với mọi người xung quanh.

Bệnh tâm thần đang ngày càng trở thành vấn đề xã hội lớn. Còn để người tâm thần lang thang ngoài xã hội, cộng đồng còn bất an, sẽ còn nhiều mạng người chết oan uổng. Thực trạng ấy đặt ra cho chính quyền và mỗi gia đình những vấn đề phải giải quyết rốt ráo, kịp thời. Nếu không, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là nạn nhân bất ngờ của một cục gạch hoặc một nhát dao oan nghiệt trong tay người bệnh tâm thần.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

.
.
.