.

Nâng tầm OCOP

Cập nhật: 18:52, 07/04/2021 (GMT+7)

Gần 4.500 sản phẩm đạt chất lượng tốt từ 3 sao trở lên, đạt gần gấp đôi so với mục tiêu đề ra. Đó là kết quả tích cực từ chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) sau gần 3 năm triển khai. Cho đến thời điểm này, cả 63 tỉnh thành trên cả nước đã triển khai chương trình OCOP. Được triển khai từ tháng 5/2018, với trọng tâm là phát triển sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, gồm 6 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Chương trình OCOP cũng giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm của các địa phương với mức tăng bình quân khoảng 17,6%/năm. giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20 - 40%.

Riêng tại BR-VT, tính đến tháng 3/2021, đã có 21 sản phẩm OCOP được phân hạng từ 4 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm tiềm năng đạt hạng 5 sao và 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Nhiều sản phẩm từ chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn phân phối ở thị trường nước ngoài, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng đáng kể. Có thể kể đến sản phẩm tiêu của Công ty CP Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây; cà phê của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nón Lá; mật ong, tinh bột nghệ đỏ của Công ty TNHH TM – DV Xuất nhập khẩu Nông nghiệp và Dược liệu Thuần Dương…

Có thể nói, chương trình OCOP đã mang đến một diện mạo mới, hơi thở mới, nền tảng mới cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Điều quan trọng nhất không chỉ là tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng mà chính là sự thay đổi trong cách làm nông nghiệp với tư duy thị trường của người nông dân. Ý nghĩa lớn nhất mà chương trình OCOP mang lại là khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương đối với các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống. Đồng thời từng bước chuyển đổi quy mô sản xuất nhỏ sang hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín; quan tâm đến chứng nhận an toàn, chứng nhận quốc tế; cùng với đó là công ăn việc làm, thu nhập cho chính bà con tại làng quê ở mỗi địa phương...

Với ý nghĩa của chương trình OCOP mang lại, mục tiêu của tỉnh BR-VT đặt ra là đến cuối năm 2025 sẽ xây dựng thành công 180 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao cấp tỉnh. Mục tiêu là vậy, tuy nhiên trên thực tế cũng phải nhìn nhận rằng, với những hạn chế như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn; mẫu mã, kiểu dáng, bao bì chậm đổi mới; các sản phẩm đăng ký thương hiệu và sở hữu trí tuệ còn ít… đang là rào cản lớn của việc triển khai thực hiện chương trình OCOP. Thực tế triển khai chương trình OCOP cho thấy, nhiều chủ thể sản xuất còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, để tạo bước đột phá trong giai đoạn tiếp theo, cần thúc đẩy sự chủ động của người dân, quản lý và giám sát chất lượng, sản phẩm OCOP. Đặc biệt, phải tạo được sự thống nhất về nhận thức của cả hệ thống chính trị về chương trình OCOP - đây là chương trình mang tính cộng đồng, hướng đến lợi ích thiết thực của người sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm OCOP phải trên nguyên tắc tiếp cận và đáp ứng yêu cầu thị trường; thúc đẩy chế biến sâu, liên kết và gắn với các vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, tạo ra sản phẩm OCOP đặc sắc có giá trị cao.

NGÔ GIA

.
.
.