Định vị thương hiệu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: “Xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao”. Nhằm hỗ trợ và tạo động lực cho một trong bốn trụ cột kinh tế của tỉnh phát triển, tạo lợi thế so sánh, cạnh tranh và nâng cao tỷ lệ cơ cấu trong đóng góp ngân sách, Nghị quyết cũng đã chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển, định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế”.
Du lịch cả nước nói chung và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng đang bước vào một giai đoạn và tiến trình phát triển mới. Sau một thời gian gián đoạn vì đại dịch COVID-19, các địa phương có thế mạnh về du lịch đang nỗ lực tìm cách lấy lại vị thế tăng trưởng của kinh tế du lịch thông qua các chiến lược phát triển mới, trong đó có việc thực hiện các chính sách giảm giá đi đôi với tăng cường chất lượng dịch vụ, xúc tiến quảng bá và định vị thương hiệu.
Định vị thương hiệu du lịch là việc tạo ra vị thế riêng biệt của thương hiệu trong môi trường cạnh tranh, bảo đảm khách hàng mục tiêu có thể phân biệt rõ thương hiệu ưa thích với các thương hiệu cạnh tranh khác. Định vị được thương hiệu và một khi thương hiệu có được vị trí nhất định trong thị trường cạnh tranh là cơ sở thuận lợi giúp du lịch phát triển đúng hướng và ổn định trong dài hạn. Đồng thời, là cơ sở để xác định rõ đường hướng phát triển các dòng sản phẩm du lịch có năng lực cạnh tranh cao, trên cơ sở đó sẽ thực hiện hiệu quả hơn kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch, tránh được những lãng phí không cần thiết.
BR-VT được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng về tự nhiên và nhân văn cho phát triển du lịch. Các tiềm năng về du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch đô thị và du lịch MICE … mang lại những lợi thế so sánh lớn cho du lịch BR-VT. Cùng với thời gian, du lịch BR-VT đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan, tạo được nhiều điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều cơ sở du lịch tên tuổi đang dần được định hình và liên tục được đầu tư phát triển; các dòng sản phẩm du lịch được tăng cường và phát triển nhanh trên diện rộng. Tuy nhiên, so với các địa phương khác (như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang …) sự bứt phá của du lịch BR-VT chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Do đó, việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển, định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng là một đòi hỏi cấp thiết của ngành du lịch và của các địa phương trong tỉnh.
Để định vị hiệu quả thương hiệu du lịch tỉnh BR-VT trong thời gian tới, trên cơ sở chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển, theo ý kiến của các chuyên gia, ngành du lịch tỉnh cần xác định: Định vị các giá trị thương hiệu nào? Định vị bằng những chiến lược nào? Định vị ở đâu và đối tượng thị trường nào? Từ đó, cần xác định cụ thể khách hàng mục tiêu trên cơ sở phân tích thị trường, đối thủ cạnh tranh và nghiên cứu thuộc tính sản phẩm. Đồng thời, lập sơ đồ định vị và chọn loại định vị cho địa phương, cho doanh nghiệp.
Mỗi địa phương, doanh nghiệp có phân khúc thị trường khách du lịch của riêng mình; có tiềm năng, thế mạnh riêng và cũng có phương cách riêng để xúc tiến, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch. Khi xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, của địa phương, cần ưu tiên xác lập những giá trị dựa trên quan điểm phát triển bền vững, hội nhập và tôn vinh bản sắc riêng. Từ đó, đưa ra những hình ảnh, biểu tượng hay thông điệp mang tính tượng trưng cao, độc đáo và gần gũi của riêng địa phương, doanh nghiệp. Xây dựng và định vị thương hiệu trên nền ẩm thực là việc làm mà nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương của nước ta đã thực hiện thành công. Đối với du lịch BR-VT điều này lại càng thuận tiện và có ý nghĩa hơn, khi trên địa bàn tỉnh hiện có một hệ thống nhà hàng hoàn thiện, với nhiều nhà hàng đặc sản quy mô lớn. Tận dụng thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp có sẵn, phong phú và đa dạng về chủng loại thực phẩm, rau, củ, quả nổi tiếng (như: cá mú, sò huyết, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu dai…) để tạo thêm sức cuốn hút du khách.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, với đặc thù của ngành dịch vụ có tính cạnh tranh cao, định vị thương hiệu du lịch là công việc khó khăn, đòi hỏi một quá trình lâu dài, bài bản và mang tính hệ thống. Mỗi giá trị thương hiệu du lịch của tỉnh BR-VT khi đã được định vị sẽ là trụ cột quan trọng thúc đẩy ngành du lịch tăng tốc và phát triển bền vững.
HOÀNG LÊ