Xử nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Sau hơn 2 năm được đưa ra khỏi danh sách “điểm nóng về ô nhiễm môi trường”, những ngày cuối tháng 3, nước trong đầm chứa tại khu vực trước Cống số 6 (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) lại có hiện tượng ô nhiễm khi đổi màu đỏ và có mùi hóa chất nồng nặc.
Vào cuộc kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1 miệng cống thoát nước từ Công ty TNHH chế biến bột cá Nghê Huỳnh dẫn vào đầm nước trong khu vực Cống số 6. Nước từ miệng cống có màu đen, nổi váng, có mùi hóa chất. Kết quả phân tích mẫu nước thải từ công ty này cho thấy có một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Ngoài ra, quá trình kiểm tra các DN chế biến hải sản tại xã Tân Hải, cơ quan chức năng cũng phát hiện DNTN Đại Quang đang hoạt động sơ chế biến cá bò trái phép. Đây là 1 trong 9 cơ sở xây dựng trái phép và UBND tỉnh đã giao UBND TX. Phú Mỹ xử lý, yêu cầu chấm dứt hoạt động. Hiện cơ sở này cũng đã dừng hoạt động.
Một thời gian dài, các cơ sở chế biến hải sản quanh khu vực Cống số 6 là nỗi bức xúc, lo lắng của chính quyền, người dân khi liên tục xả nước thải không đạt chuẩn ra môi trường và nhiều lần làm cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt. Năm 2016, 33 hộ nuôi cá đã khởi kiện ra tòa 14 DN có hoạt động xả thải. Các DN thua kiện đã phải đền bù thiệt hại hơn 5,5 tỷ đồng. Đến thời điểm này, một cơ sở chế biến hải sản tại khu vực xã Tân Hải đã được di dời về khu chế biến hải sản tập trung xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ sở chưa di dời phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chi ngân sách hàng chục tỷ đồng để cải tạo hồ chứa nước và bùn trong khu vực này. Nhờ đó, môi trường nước dần trong xanh trở lại và khu vực Cống số 6 đã được rút tên khỏi danh sách “các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh”.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm được đưa ra khỏi danh sách điểm nóng về ô nhiễm môi trường, khu vực Cống số 6 đối mặt nguy cơ ô nhiễm trở lại khi có DN chế biến hải sản xả thải ra môi trường. Người nuôi cá trên sông Chà Và lại phải sống trong những ngày thấp thỏm lo âu vì nếu nguồn nước này chảy ra sông, bao công sức, tiền bạc họ đổ vào những lồng cá có thể bị trôi theo dòng nước ô nhiễm trong phút chốc.
Hành vi vi phạm của các cơ sở chế biến hải sản trong khu vực này rồi sẽ bị xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật. Vấn đề là, hành vi sai trái đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần: xả thải, bị phát hiện, xử phạt, rồi lại tiếp tục xả thải… Thực tế cho thấy, chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn và chi phí duy trì hoạt động của hệ thống này rất tốn kém. Do vậy, vì lợi nhuận trước mắt, một số DN chọn giải pháp chụp giật là lén xả thải ra môi trường và chấp nhận bị xử phạt khi bị phát hiện, bởi số tiền bị xử phạt luôn thấp hơn nhiều so với số tiền đầu tư xây dựng và duy trì hệ thống xử lý nước thải.
Không thể để những điều sai trái tiếp tục diễn ra mãi như vậy. Ngân sách nhà nước không thể chi cho việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các DN thiếu ý thức gây ra. Do vậy, chính quyền cần phải mạnh tay, cùng với việc xử phạt ở khung cao nhất là kiên quyết đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các cơ sở tái phạm nhiều lần, buộc cơ sở vi phạm phải khôi phục hiện trạng. Đồng thời, các cơ sở chế biến hải sản trong khu dân cư cũng cần sớm được di dời vào các khu chế biến hải sản tập trung của tỉnh. Có như vậy, môi trường mới được bảo đảm, người dân không phải sống trong cảnh ô nhiễm bởi mùi hôi và nguồn nước do các cơ sở này gây ra.
ĐỨC NGUYÊN