.

Phát triển cây xanh đô thị

Cập nhật: 17:42, 04/04/2021 (GMT+7)

Những ai quan tâm tới vẻ đẹp của những cây bông giấy ở TP. Vũng Tàu hẳn đã an tâm phần nào khi hay tin công an thành phố bắt được đối tượng cưa giàn bông giấy cổ thụ ở khu vực nhà nghỉ Lâm Đường.

Tối 29/3, cây bông giấy nhiều năm tuổi nở hoa quanh năm vốn là điểm “check-in”, sống “ảo” của nhiều du khách và cư dân địa phương đã bị kẻ gian cưa ngang thân cây và lấy đi một phần thân. Sự mất mát của cây bông giấy đã khiến nhiều người bức xúc và phẫn nộ, mong sớm bắt được kẻ này để xử lý nghiêm.

Trước đó, vào đầu tháng 2, hàng chục gốc bông giấy nhiều năm tuổi, được trồng trang trí trên giải phân cách tuyến đường Võ Nguyên Giáp và đường 2/9 (phường 12) cũng bị cưa ngang thân, cắt gốc. Qua điều tra, Công an TP. Vũng Tàu đã bắt được kẻ gian là người đàn ông 51 tuổi. Kẻ này khai cắt trộm các gốc bông giấy trên về ươm giống để bán “kiếm tiền”.

Chuyện cây xanh bị xâm hại không chỉ có ở TP. Vũng Tàu mà xảy ra ở nhiều đô thị trong cả nước, đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Người yêu cây xanh đô thị đã từng lặng người luyến tiếc khi hay tin nơi này cưa bỏ vài cây xà cừ, nơi kia đốn hạ chục sếu đỏ trăm tuổi nằm trong diện bảo tồn, có giá trị về văn hóa, lịch sử để “phục vụ” cho việc mở rộng, nâng cấp đường sá, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Cây xanh đô thị bị xâm hại, thu hẹp dần còn do sự cố ý của một bộ phận cư dân thiếu ý thức. Để thuận tiện cho việc sinh hoạt, kinh doanh, người ta đã đóng đinh, vật sắc nhọn lên thân, cành cây để làm “giá treo đồ”; treo các biển quảng cáo, đèn màu lủng lẳng trên thân cây, bao bó gốc cây bằng xi măng, vật liệu cứng. Một số người đã âm thầm đổ hóa chất vào gốc những cây án ngữ trước cửa nhà. Trước sự “đầu độc” đó, nhiều cây cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm đã biến mất.

Cây xanh, công viên, mặt nước là hồn cốt, là lá phổi xanh của đô thị. Nhưng tỷ lệ cây xanh đô thị trên mỗi người dân nước ta rất thấp. Ngay như ở 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ cây xanh cũng chỉ đạt khoảng xấp xỉ 2m2/người, mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới. Nguyên nhân là nhiều địa phương chưa có một chiến lược phát triển cây xanh đô thị bền vững.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tỷ lệ cây xanh của Hà Nội mới được nâng lên thành 10-12m2/người. TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2050, mảng xanh trên đầu người đạt đến 8-10m². Còn TP. Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2035 có diện tích xanh đạt tối thiểu 20m2/người. Để những con số nói trên thành hiện thực, quy hoạch cây xanh đô thị phải là một nội dung bắt buộc trong quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết của các đô thị; Tầm quan trọng của hệ thống cây xanh đô thị trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải được luật hóa. Việc này nhằm bảo đảm các công trình xây dựng không phá vỡ cảnh quan môi trường vừa bảo đảm không gian xanh cần thiết, điều tiết được môi trường vừa góp phần làm đẹp, tăng thẩm mỹ cho đô thị. Tất nhiên, việc lựa chọn cây trồng đô thị phải phù hợp với mỗi vùng, miền, loại đô thị cũng như phù hợp đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa…

Trồng cây không khó, điều quan trọng là phải giữ gìn, chăm sóc để cây xanh phát triển. Công việc này chỉ hiệu quả khi có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Vấn đề truyền thông nhằm nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, do vậy phải được tiến hành thường xuyên, hình thành tinh thần tự giác trong mỗi người dân. Nếu ai đó có hành vi xâm hại tới cây xanh, cộng đồng sẽ có trách nhiệm nhắc nhở và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng để có biện pháp bảo vệ. Tất nhiên, những tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại cây xanh phải được xử lý nghiêm minh. Nghị định 139-CP quy định hành vi xâm hại cây xanh có thể bị phạt đến 30 triệu đồng, nhưng trên thực tế chưa có đối tượng vi phạm nào bị xử phạt như thế. Có lẽ vì vậy mà các hành vi xâm hại cây xanh vẫn cứ diễn ra. Chế tài phải mạnh hơn nữa mới có thể chặn đứng được tình trạng “nhờn” luật này.

TRƯƠNG TÙNG

.
.
.