.

Lên tiếng vì thiên nhiên

Cập nhật: 17:58, 23/03/2021 (GMT+7)

“Biến bờ kênh ngập rác thành đường hoa” - bài đăng trên số thứ Ba, ngày 23/3 của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được sự quan tâm, “share” - chia sẻ của khá nhiều bạn đọc. Câu chuyện những người dân ở xung quanh đoạn kênh thoát nước ở hẻm 780, Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP.Vũng Tàu cùng nhau dọn rác, trồng hoa đã lan tỏa đến nhiều người. Bởi lẽ trước đây, những ai đã từng đi qua hẻm này đều không tránh khỏi cảm giác bực bội, khó chịu vì rác thải và mùi hôi thối từ kênh bốc lên. Các biện pháp ngăn chặn, gắn camera để giám sát cũng không chấm dứt được tình trạng rác xả thải 2 bên bờ. Thậm chí, các loại bao nilon, chai nhựa cũng bị vứt bừa bãi khiến cho tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.

Thế nhưng, với sự quyết liệt vào cuộc, chung tay của chính quyền địa phương và người dân, không gian 2 bên bờ kênh đã được cải tạo. Rác được dọn sạch sẽ. Những chậu hoa mười giờ, hoàng yến bung nở rực rỡ khiến ai đi qua cũng phải dừng lại để ngắm nhìn.

Có thể nói, việc triển khai và nhân rộng các mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng dân cư của TP. Vũng Tàu trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực trong xử lý các điểm ô nhiễm môi trường. Chỉ cần thay đổi 1 chút về thói quen là chúng ta đã có thể bảo vệ môi trường, và góp một phần không nhỏ để cứu lấy trái đất đang ngày càng nóng lên vì ô nhiễm. Thống kê của Bộ TN-MT cũng cho thấy, rác thải nhựa ở Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong lượng chất thải rắn sinh hoạt và ước tính lên tới 2,5 triệu tấn/năm. Đáng lo ngại hơn là khoảng 12% - 38% rác thải nhựa không được thu gom và đã xả trực tiếp ra môi trường xung quanh. Bình quân hàng tháng mỗi hộ gia đình dùng và thải ra 1kg túi nilon. Trong khi đó, chỉ có 10% rác thải nhựa tại Việt Nam được đem đi tái chế, còn lại hơn 90% được đem đi chôn, lấp hoặc thải ra môi trường. Đây thực sự là áp lực nặng nề cho môi trường sống của chúng ta bởi rác thải nhựa có thời gian phân hủy dài. Trong quá trình phân hủy lên đến cả 100 năm thậm chí 1.000 năm đó, chúng sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ. Những hạt vi nhựa này đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn… Khi con người tiếp xúc, ăn phải những mảnh vi nhựa này thì hệ lụy cho sức khỏe là khó có thể tính toán được. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như mất cân bằng hoóc-môn, bệnh về hô hấp, bệnh về thần kinh…

Đặc biệt, một loạt các thảm họa nhân loại diễn ra trên toàn thế giới trong năm 2020, bao gồm hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng trên diện rộng, lũ lụt và sự bùng phát đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy việc ngăn chặn những tổn thất của thiên nhiên là hành động cấp bách để bảo vệ tương lai của chính chúng ta.

20 giờ 30 phút ngày 27/3 năm nay, chiến dịch Giờ Trái đất 2021 sẽ được thực hiện đồng loạt quy mô toàn thế giới với chủ đề “Speak up for Nature” - Lên tiếng vì thiên nhiên, tập trung vào hai chủ đề tiết kiệm năng lượng - giảm phát thải khí nhà kính và không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên. Đây là thời điểm mỗi người cần cùng nhau hành động, đồng lòng vì thiên nhiên và đưa ra cam kết về sự thay đổi vì một hành tinh tươi đẹp.

Lần đầu tiên được tiến hành tại thành phố Sydney của Australia vào năm 2007, chiến dịch Giờ Trái Đất hiện đã trở thành một trong những chiến dịch vì môi trường lớn nhất thế giới, được hưởng ứng tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Chúng ta hãy cùng hành động để Giờ Trái Đất không chỉ là một sự kiện mang tính phong trào, mà tìm ra những giải pháp để bảo vệ hành tinh và xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững.

NGÔ GIA 

 
.
.
.