Trách nhiệm xã hội
Món quà mà cơ quan chúng tôi nhận được đầu năm từ Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (Tập đoàn SCG) – chủ đầu tư dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam là những chiếc giỏ xinh xắn được làm từ cây lục bình của người dân xã Long Sơn – nơi dự án đóng chân. Theo lời ông Tharna Sanee, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, đây là sản phẩm của người dân xã Long Sơn sau khi tham gia khóa đào tạo nghề do Công ty tổ chức. Tới đây, những chiếc giỏ lục bình này cũng sẽ được xuất khẩu ra thế giới, mang lại thu nhập không nhỏ cho cư dân xã đảo.
Với định hướng phát triển bền vững, luôn nỗ lực để đóng góp cho cộng đồng nơi tập đoàn hoạt động, SCG là một trong những DN công dân với nhiều sáng kiến nổi bật, góp phần nâng tầm chất lượng cuộc sống địa phương. Tại BR-VT, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi động dự án trọng điểm quốc gia Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam vào đầu năm 2018, hàng loạt hoạt động an sinh xã hội đã được Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn tổ chức. Qua đó không chỉ tạo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất để làm dự án mà còn hiện thực hóa mục tiêu mang lại sự thịnh vượng cho vùng đất này. Ngay trong quá trình xây dựng, dự án đã tạo ra việc làm cho hàng chục ngàn lao động, trong đó có phần không nhỏ con em xã đảo Long Sơn. Ngoài các chương trình chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho người dân tại khu vực dự án triển khai như tặng quà cho gia đình khó khăn, tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, đường giao thông, hệ thống vệ sinh khu tái định cư được nâng cấp; khu vui chơi trẻ em được xây dựng và đặc biệt là con em các gia đình trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án được đào tạo dạy nghề miễn phí để có kế sinh nhai bền vững khi thay đổi công việc đã gắn bó từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các chương trình xã hội vẫn đang tiếp tục được đầu tư để hướng tới mục tiêu nâng dần chất lượng đời sống người dân.
Câu chuyện kể trên của SCG là một ví dụ cho thấy, các DN ngày càng quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm xã hội (hay còn gọi là CSR - Corporate Social Responsibility). Đây cũng đang là xu hướng phổ biến trên thế giới, trở thành một yêu cầu “mềm” đối với DN - một tiêu chí để phát triển bền vững. Vì CSR không chỉ đơn thuần là đạo đức kinh doanh, mà đó còn là sự tự nguyện cam kết của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân nhằm chung tay cải thiện cộng đồng nơi họ sinh sống và hoạt động. Bằng việc lấy lợi ích xã hội làm nền tảng để phát triển các dự án, công trình an sinh xã hội, DN không chỉ cải thiện chất lượng sống của người dân trong khu vực, mà qua đó còn giúp họ nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi từng ngày của thế giới.
Trách nhiệm xã hội không nên dừng lại ở phạm vi một DN nào, mà cần phải tìm cách làm lan tỏa hơn, kết nối mở rộng và thu hút thêm thành phần tham gia. Đặc biệt, với một địa phương trong quá trình phát triển nhanh chóng và phải đối mặt với nhiều vấn đề như sức khỏe, môi trường, con người như BR-VT, thì việc nâng cao trách nhiệm xã hội của các DN là hết sức cần thiết. Và chỉ khi lấy trách nhiệm xã hội làm nền tảng, DN mới có thể phát triển bền vững.
NGÔ GIA