.

Từ 1 tỷ cây xanh nghĩ về trồng cây cho du lịch

Cập nhật: 18:16, 19/03/2021 (GMT+7)

Lâu lắm rồi mới có dịp cà phê với cô bạn thân. Tán gẫu đủ thứ cuối cùng câu chuyện cũng quay về chủ đề du lịch vì cả hai cùng chung sở thích “xê dịch”. Nhân tiện, cô bạn khoe luôn seri ảnh chụp với phượng tím Đà Lạt mới thực hiện đầu tháng 3. Lướt qua bộ ảnh, tôi mê mẩn với sắc tím thơ mộng nhuộm cả phố phường Đà Lạt. Những con đường dốc, bờ Hồ Xuân Hương, ngôi biệt thự cổ hay cả một con đường mang tên Phượng Tím trong KDL hồ Tuyền Lâm đều phủ sắc tím. Bạn rất biết tạo dáng nên bộ ảnh có thể tóm lại trong 2 từ “chất lừ”.

Xem xong bộ ảnh, tôi tò mò về cây phượng tím và tìm hiểu trên mạng thì được biết cây có nguồn gốc từ Pháp, được một kỹ sư nông học mang về ươm mầm trồng tại Đà Lạt năm 1962. Thế nhưng, cây chỉ ra hoa mà không cho quả, nên không có khả năng sinh sản tự nhiên. Vị kỹ sư này nhân giống bằng phương pháp chiết cành, song việc nhân rộng không khả quan. Sau đó, các nhà khoa học ở Đà Lạt tiếp tục nghiên cứu lấy mầm của những cây phượng tím dòng đầu tiên nhân giống bằng phương pháp vô tính thì thành công. Nhờ vậy, từ cuối thế kỷ XX, phượng tím được trồng đại trà trên nhiều tuyến đường, công viên, các điểm du lịch ở Đà Lạt.

Không chỉ phượng tím, Đà Lạt còn có dã quỳ, mai anh đào… Đến mùa bung nở đều làm nức lòng giới du lịch. Tín đồ mê ảnh, thích dịch chuyển gần như không thể cưỡng lại sắc vàng dã quỳ phủ kín từ sườn đồi đến đường quê, những con dốc ngập sắc hồng của mai anh đào, sắc tím đầy nhung nhớ của phượng và hằng hà loại cây trồng khác của Đà Lạt. Để những loại hoa đó sinh trưởng, phát triển thành những quần thể chắc chắn không hoàn toàn nhờ ưu đãi từ thổ nhưỡng khí hậu mà còn là tầm nhìn, tâm huyết và sự dày công chăm bón để xây nên những giá trị đặc trưng cho xứ du lịch cao nguyên.

Từ chuyện hoa cỏ Đà Lạt, chợt nghĩ về BR-VT. Cũng là một tỉnh có thế mạnh du lịch. Những năm gần đây, BR-VT chuyển biến mạnh về hạ tầng du lịch với hàng loạt resort, KDL cao cấp mọc lên khắp tuyến du lịch biển. Tuy nhiên, ngoài cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ thì mảng xanh cảnh quan cũng rất quan trọng. Mảng xanh không chỉ có tác dụng điều hòa không khí mà còn cộng lực tôn thêm nét duyên cho vùng đất và phải đóng vai trò làm nên “thương hiệu” cho du lịch. Hiện nay, BR-VT cũng đã có những loại cây phù hợp với khí hậu biển được trồng như: sao đen, đỗ mai, bàng biển, muồng đen, phi lao, phượng vỹ, hoa giấy... Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch bài bản và phân bố hợp lý nên mảng xanh tại BR-VT còn manh mún. Nếu như trên dải phân cách các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hoa giấy, cây kiểng tạo hình khá đẹp mắt thì trên tuyến đường ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu, nhất là qua những vùng du lịch chưa có cây trồng phù hợp. Một số nơi trồng cây đỗ mai nhưng thiếu chăm bón nên cây cằn cỗi, hoa ít. Nhiều tuyến đường trong đô thị, khu vực công cộng, các ngọn núi, điểm cao nơi thì chủ yếu cây tự nhiên, nơi đã trồng cây nhưng chưa phù hợp với khí hậu và cảnh quan.

BR-VT đang bàn kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh cho giai đoạn 2021-2025 nhằm hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” do Chính phủ phát động. Đây là cơ hội để BR-VT quy hoạch bài bản lại mảng xanh, tính toán trồng những loại cây phù hợp theo vùng, theo mùa, theo chủ đề để không chỉ đạt mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng độ che phủ mà tạo môi trường trong lành mà còn phát huy vai trò “thương hiệu xanh”, trở thành địa điểm ghé thăm, chụp ảnh lưu niệm thu hút cho du lịch.

TRẦN HIỀN

.
.
.