.

Đừng lơ là với dịch bệnh!

Cập nhật: 19:54, 16/03/2021 (GMT+7)

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam đã được khống chế, chỉ còn xuất hiện lác đác một số ca nhiễm mới khi đã được cách ly tập trung.

Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng vẫn còn rất cao, bởi đất nước phải thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Sau hơn một tháng đặt trong tình trạng kiểm soát chặt chẽ, kể từ khi đợt dịch thứ ba xuất hiện tại tỉnh Hải Dương hồi cuối tháng 1/2021 và lan ra một số tỉnh, thành, đến nay hầu hết các địa phương trong cả nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Hoạt động buôn bán, giao thương, đi lại và du lịch đã nhộn nhịp. Các khu du lịch, điểm tham quan, đền, chùa đã mở cửa đón khách trở lại.

Như cái lò xo bị nén, trải qua nhiều ngày bị hạn chế đi lại, giờ đây lượng người đi du lịch, thăm viếng đền, chùa bật tăng mạnh mẽ. Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền hình ảnh biển người chen chúc đến viếng chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) với con số ước tính khoảng 50 ngàn người trong ngày đầu tháng 2 âm lịch. Nhìn hình ảnh dòng người ken đặc như nêm, người xem không khỏi lo lắng, bởi nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 là rất cao. Thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung, khoảng cách, khai báo y tế) trong phòng, chống dịch đã không được thực hiện nghiêm túc tại quần thể kiến trúc tâm linh này. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại: chỉ một người trong số đó nhiễm bệnh, mức độ lây lan của dịch bệnh sẽ rất khủng khiếp và khi đó rất khó kiểm soát.

Quan sát diễn biến những lần dịch bệnh bùng phát kể từ khi xuất hiện ở nước ta, chúng ta dễ nhận ra thói quen khá giống nhau, được lặp đi lặp lại: khi dịch xảy ra, người dân chấp hành khá nghiêm các biện pháp phòng, chống. Sau khi dịch được khống chế, biểu hiện lơ là, chủ quan lập tức xuất hiện. Nhiều người đến nơi tham quan, du lịch, thăm viếng đền, chùa, tập trung nơi công cộng mà không tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch. Thực tế cũng đã từng xảy ra: nhiều ổ dịch lây lan trong cộng đồng, khiến nhiều người nhiễm bệnh vì sự chủ quan của một số người như vậy.

Mùa Xuân là mùa của lễ hội, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc. Trong đó, nhiều lễ hội gắn với tín ngưỡng, tâm linh, kéo dài nhiều ngày và thu hút rất đông khách thập phương về dự. Tâm lý chung của nhiều người là sau những ngày bị gò bó bởi phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giờ là lúc được tự do vui chơi, du xuân trẩy hội. Vì vậy, họ không thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế về phòng, chống dịch. Đây là thực trạng rất đáng quan ngại, nếu các địa phương không xử lý mạnh tay, những hình ảnh tương tự như ở chùa Tam Chúc sẽ còn xảy ra tại nhiều nơi khác. Biểu hiện lơ là, chủ quan còn xảy ra ở nhiều điểm du lịch khác trong cả nước. Không chỉ tập trung đông người, du khách đến các điểm tham quan du lịch và cả người dân địa phương khi đến nơi công cộng cũng không thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Cần biết rằng, quy định đeo khẩu trang nơi công cộng của Chính phủ vẫn còn hiệu lực. Trong khi đó, ngành y tế và các lực lượng chức năng như quân đội, công an vẫn đang âm thầm, nỗ lực phòng, chống, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi, lại có sự giúp sức của một số cá nhân, tổ chức trong nước, càng khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn.

Do vậy, dịch bệnh có được kiểm soát hay chỉ tạm lắng xuống, để khi có dịp lại bùng lên như những lần vừa qua phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và ý thức của mỗi người dân. Bởi lẽ, Chính phủ và các lực lượng chức năng đã làm mọi cách để khống chế dịch bệnh, phần còn lại có vai trò quan trọng của người dân. Bất kỳ ai cũng có thể góp sức cùng chống dịch, thông qua việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Dịch bệnh có được khống chế, đẩy lùi, cuộc sống bình thường mới trở lại. Chúng tôi và hẳn là bất kỳ ai cũng mong muốn như vậy!

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.