.

Nghĩ về thẩm mỹ đô thị

Cập nhật: 19:34, 18/03/2021 (GMT+7)

Từ khi trở thành “con đường bích họa”, không ngày nào mà con hẻm 06, Trần Phú - đối diện Cáp treo Vũng Tàu lại không “đón” một vài du khách và cư dân địa phương. Người ta đến đây để “check in”, sống “ảo” với những bức tranh đa sắc màu đầy tính nghệ thuật. Một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, anh thích con đường bích họa này bởi nó có nhiều bức tranh đẹp, làm nên một gallery ngoài trời đầu tiên ở phố biển Vũng Tàu.

Ý tưởng thực hiện đường bích họa này là của Hội LHPN TP. Vũng Tàu. Ngay từ đầu, cư dân trong con hẻm đã hưởng ứng rất tích cực. Họ ý thức được rằng, con đường bích họa không chỉ tạo thêm điểm nhấn cho du lịch mà còn có ý nghĩa cổ vũ, nhắc nhở mọi người cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định…

Du khách đang rất háo hức khi biết rằng, Hội LHPN TP. Vũng Tàu có ý định thực hiện con đường bích họa thứ 2 ở bờ tường Khu tập thể 5 tầng của Vietsovpetro (đường Nguyễn Thái Học, đoạn giao đường Lê Hồng Phong tới Pasteurs, TP. Vũng Tàu). Nếu con đường bích họa này ra đời, họ sẽ có thêm một điểm nữa để mà “check in”, sống “ảo”.

Ngày nay, ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có nhiều đường hoa, đường bích họa rất được du khách thích thú tìm đến. Khởi đầu từ “con đường gốm sứ ven sông Hồng” năm 2010, phong trào trang trí ngõ hẻm, đường phố bằng tranh vẽ nở rộ ở nhiều đô thị nước ta. Thoạt đầu chỉ là để xóa những tờ rơi quảng cáo “hút hầm cầu”, “cho vay không thế chấp”, chống đổ rác bừa bãi, dần dần trở thành… ngõ bích họa với đủ các phong cách, màu sắc và chất lượng khác nhau.

Có những con đường bích họa nổi tiếng, được du khách lặn lội tìm đến để thưởng ngoạn, như Làng bích họa Tam Thanh ở thôn Trung Thanh, Quảng Nam, làng bích họa Cảnh Dương ở Quảng Bình, đường bích họa Huyền Trân ở TP. Huế hoặc như đường bích họa trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Nhưng không phải con đường bích họa nào cũng đẹp. Có những con đường bích họa được hình thành theo kiểu tự phát, không quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ đô thị. Các “họa sĩ” của ngõ, xóm vẽ đủ thứ phong cảnh, sự vật, chép cả thơ ca hò vè… bằng những nét vẽ, kiểu chữ ngô nghê, màu sắc chói mắt, gây “ô nhiễm thị giác”. Một “thảm họa” khác đối với kiến trúc đô thị là những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu trầy xước, nguệch ngoạc được vẽ trên các bức tường bằng sơn xịt do những tín đồ của loại hình nghệ thuật Graffiti thực hiện (Graffiti có nguyên gốc từ tiếng La-tin Graffito, hàm nghĩa viết hoặc vẽ). Chúng được vẽ lung tung trên khắp các tường rào trường học, nhà dân, trụ sở doanh nghiệp, cơ quan. Đó thực sự là những hình vẽ bôi bẩn, gây mất mỹ quan đô thị, không phải là nghệ thuật gì như một nhận xét của một họa sĩ tên tuổi.

Trong những dịp lễ, Tết, chúng ta vẫn thường bắt gặp những bức tranh, công trình trang trí sặc sỡ ở các khu vực trung tâm, đường phố. Phổ biến nhất là việc treo cờ đuôi nheo xanh đỏ chi chít quanh các tượng đài, “phủ” đèn trang trí, hoa giả, cây giả… ở các đường phố lớn, công viên. Kiểu trang trí ấy không chỉ gây nhiễu về thị giác, tạo cảm giác thiếu tinh tế mà còn lấn át cả vẻ đẹp của cảnh quan thực chung quanh, gây hiệu ứng ngược đối với trang trí phố phường như nhận xét của một kiến trúc sư trong Hội đồng trang trí đường phố Hà Nội.

Thẩm mỹ đô thị là hồn cốt của một đô thị văn hóa, văn minh, phản ánh năng lực quản lý cũng như trình độ nhận thức thẩm mỹ của chính quyền và cư dân nơi đó. Những kiểu trang trí, làm đẹp phải tinh tế, phù hợp với kiến trúc, diện mạo đô thị. Dù chỉ một vài nét chấm phá nhưng vẫn có thể tôn lên vẻ đẹp của phố phường hơn là một bức tranh khổng lồ, hoành tráng nhưng màu sắc lòe loẹt, không có nội dung chỉ càng làm phố phường thêm nhếch nhác.

Có “bàn tay” can thiệp của chính quyền và sự tham gia của giới chuyên môn - những họa sĩ, kiến trúc sư tâm huyết, yếu tố thẩm mỹ đô thị sẽ được quan tâm đúng mức. Những bích họa mang tính “phong trào”, tự phát, những kiểu trang trí “hoa hoè hoa sói” thiếu vắng nội dung sẽ được khắc phục chấn chỉnh kịp thời, không còn là “thảm họa” đối với cảnh quan đường phố, môi trường và không gian sống.

TRƯƠNG TÙNG

.
.
.