.

Thay đổi quan niệm về học nghề

Cập nhật: 20:52, 06/11/2020 (GMT+7)

Tại diễn đàn Quốc hội ngày 6/11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, năng suất lao động của người lao động Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng 7,6% Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% của Philippines và 6,89% của Brunei. 

Vấn đề này không mới, đã được nhắc đến nhiều lần và qua nhiều năm nhưng vẫn chưa được cải thiện. Vì sao?

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 50 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó, tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt khoảng 42%, cao hơn gần 3 lần khu vực nông thôn. Như vậy, phần lớn người lao động Việt Nam là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Mặt khác, ngay cả số lao động đã qua đào tạo cũng chiếm tỷ lệ lớn ở trình độ sơ cấp nghề. Thậm chí, nhiều lao động phổ thông được các DN trong các khu công nghiệp tuyển dụng rồi đào tạo tại chỗ từ vài tuần đến vài tháng là có thể nhận vào làm chính thức. Điều đó càng góp phần khiến cho năng suất của lao động Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” khá phổ biến trong thị trường lao động Việt Nam. Lý do là vì ngày càng có nhiều trường đại học được thành lập. Để tuyển đủ sinh viên, các trường phải lấy điểm chuẩn rất thấp, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp và chất lượng nguồn nhân lực cũng thấp theo. Trong khi đó, phần lớn phụ huynh và học sinh Việt Nam vẫn mang nặng tâm lý thích tấm bằng đại học hơn bằng nghề, bất chấp mỗi năm có hàng trăm ngàn sinh viên ra trường nhưng không xin được việc làm. Nhiều sinh viên dù xin được việc nhưng phải làm trái ngành, thậm chí là không cần đến tấm bằng đại học. Thực tế, nhiều sinh viên sau khi ra trường, bám trụ lại thành phố một thời gian nhưng không tìm được cơ hội đành trở về quê xin việc cho gần gia đình. Họ phải cất tấm bằng đại học nơi đáy tủ để xin làm lao động phổ thông trong các nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp. 

Ghi nhận tại những phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức và tại các trang web tuyển dụng lao động cho thấy, nhiều DN có nhu cầu tuyển lao động có tay nghề. DN sẵn sàng trả lương cao cùng nhiều đãi ngộ nhưng không thể tìm đủ lao động. Trong tương lai, nhiều nhà máy, xí nghiệp tiếp tục được xây dựng, đi vào hoạt động với máy móc, thiết bị hiện đại, đòi hỏi lao động có tay nghề để điều khiển là rất lớn. Đây chính là cơ hội cho những học sinh cuối cấp THPT khi lựa chọn hướng đi cho tương lai.

Hiện nay, các trường nghề trong cả nước, trong đó có các trường nghề tại BR-VT ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo; đào tạo theo nhu cầu thực tế của thị trường, DN. Chương trình đào tạo được tăng cường giờ thực hành, đưa HS-SV đến thực hành tại DN; lồng ghép đào tạo ngoại ngữ với dạy nghề cho HS-SV. Nhờ đó, nhiều HS-SV được DN tuyển dụng ngay trong quá trình thực hành tại DN hoặc vừa tốt nghiệp ra trường. Tỷ lệ HS-SV có việc làm sau khi tốt nghiệp tại nhiều trường nghề cũng rất cao, lên đến 80-90%. 

Như vậy, học nghề là hướng đi đầy hứa hẹn tương lai. Vấn đề cần quan tâm là phụ huynh và học sinh phải thay đổi quan niệm, cách nhìn về nghề nghiệp tương lai: học để có việc làm ổn định chứ không phải cố kiếm tấm bằng đại học cho phù hợp xu thế, để tự tin trước xóm làng, bạn bè rồi cất kỹ không cần dùng đến. Song song đó, các trường nghề cũng cần đẩy mạnh công tác tiếp thị, tiếp cận, giới thiệu đến HS phổ thông về trường nghề và cơ hội việc làm khi ra trường. Những điều này có vai trò rất lớn trong việc cải thiện năng suất lao động của người Việt. Chỉ khi nào tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên thì năng suất lao động của người Việt mới tăng lên!

NGUYỄN ĐỨC

 
.
.
.