.

Ẩn họa giữa cộng đồng

Cập nhật: 18:08, 08/11/2020 (GMT+7)

Những bất cập trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện, một lần nữa lại được “nóng” lên qua vụ án Nguyễn Xuân Trung (SN 1985, ở xã Văn Phú, huyện Thường Tín) sát hại nữ sinh viên Học viện Ngân hàng để cướp tài sản.

Nguyễn Xuân Trung và Nguyễn Văn Quân là 2 con nghiện.

Chiều tối 23/10, sau khi lấy cắp 2 bộ cốt pha công trình, Nguyễn Xuân Trung và Nguyễn Văn Quân về qua đê Sông Nhuệ. Thấy em H đang dừng ngang đường nghe điện thoại, Trung quay lại, đẩy em H ngã xuống bờ sông và khi nạn nhân đứng dậy kêu “tha cho em”, kẻ thủ ác tiếp tục dìm nạn nhân xuống nước để cướp điện thoại và chiếc xe đạp điện của em.

Cái chết đau đớn của nữ sinh viên Học viện Ngân hàng bởi thủ đoạn lạnh lùng, phi nhân tính của những con nghiện đặt cộng đồng trước nỗi lo lắng, bất an: rất có thể sẽ có thêm nhiều nạn nhân nữa khi mà những tên “ngáo đá” còn sống trong cộng đồng, bên cạnh chúng ta.

Ngáo đá leo cột điện, ngáo đá tự chặt tay, ngáo đá phi thân trên mái nhà, ngáo đá giết người… Cộng đồng dường như không trở tay kịp trước những cơn điên dại bất thình lình của những kẻ trong cơn ngáo đá. Còn người dân thì phải sống chung với những “sát thủ tiềm năng và thầm lặng” ấy mà không có bất cứ phương cách phòng tránh nào.

Xin được trích dẫn một vài con số: Cả nước hiện có 234 ngàn người nghiện có hồ sơ quản lý, 120 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 105 cơ sở thuộc hệ thống công lập. Thế nhưng số học viên tại các cơ sở cai nghiện công lập trên cả nước chỉ khoảng 40 ngàn người. Con số này cho thấy số học viên được đưa đi cai nghiện là quá ít so với số người nghiện có hồ sơ quản lý, đó là chưa kể một số lượng lớn người nghiện nằm ngoài hồ sơ. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đã từng bày tỏ sự bất an trước tình trạng những con nghiện “chưa bị phát hiện” này hàng ngày vẫn đi lại, sinh hoạt trong cộng đồng.

Số người nghiện ma túy tăng mạnh từng năm, gây sức ép rất lớn lên công tác cai nghiện và quản lý sau cai, đồng thời cũng gây quá tải cho các cơ sở cai nghiện. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã từng kêu gọi: “Các địa phương không nên vì trong sạch địa bàn mà đưa hết người nghiện vào cơ sở cai nghiện ma túy. Nếu không, các cơ sở cai nghiện ma túy khó có thể trụ vững trong hoàn cảnh hiện nay”. Thực tế cho thấy không ít cơ sở cai nghiện công lập đã “vỡ trận” do tình trạng bạo loạn, đánh nhau, trốn trại tập thể của các học viên.

Thật ra, ngay cả khi các cơ sở cai nghiện không quá tải, việc đưa người nghiện vào các nơi này cũng không hề đơn giản. Theo quy định, chỉ những người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định mới được nhận vào các cơ sở cai nghiện công lập. Mặt khác, người nghiện ma túy còn phải có quyết định của tòa án. Ngành công an đã từng lập hồ sơ gửi cơ quan tòa án nhưng lại không được xử lý vì người nghiện được xem là người bệnh. Chỉ khi xác định được tình trạng nghiện thì tòa mới xử. Nhiều người nghiện bị bắt vào nhưng không xác định được tình trạng nghiện, cuối cùng phải trả về địa phương là vì vậy. Một lãnh đạo ngành công an cho biết.

Trong bối cảnh đó, nhiều người đặt niềm tin vào mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Nhưng giải pháp này cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả, tỷ lệ người nghiện tái nghiện cao. Thành ra, theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, thời gian tới chúng ta vẫn phải thực hiện đồng bộ cả 3 loại cai nghiện: tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện bắt buộc.

Để nạn ngáo đá leo cột điện, ngáo đá tự chặt tay, ngáo đá phi thân trên mái nhà, ngáo đá giết người… không “lây lan”, phát triển trong cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất những hiểm họa mà những người nghiện có thể mang lại, các ngành chức năng phải tích cực rà soát, lập hồ sơ người nghiện mới, tập trung quản lý phòng ngừa đối tượng nghiện ma túy, đối tượng ngáo đá ở các địa phương. Và, điều quan trọng là rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định về luật pháp liên quan công tác cai nghiện; khắc phục những lỗ hổng, độ vênh và bất cập của hệ thống pháp luật liên quan như Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chỉ có như vậy công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy mới đi vào nề nếp, nạn “ngáo đá” sẽ không đe dọa cuộc sống bình an của cộng đồng.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

.
.
.