Tăng thêm hình phạt đối với lái xe sử dụng ma túy
Trong chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về một số dự thảo luật sẽ trình QH thông qua. Trong đó, các đại biểu QH tập trung thảo luận về các nội dung của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất tăng mức xử phạt tối đa đối với một số lĩnh vực vi phạm hành chính để tăng mức răn đe, kèm theo đó là cần phải có các biện pháp để ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong khi thi hành công vụ. Đặc biệt, vấn đề được dư luận quan tâm là việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Thời gian qua, tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích (rượu bia, ma túy) ngày càng gia tăng, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Một trong những điều đáng lo ngại nhất hiện nay là số người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá, thuốc lắc…) vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Những loại ma túy này ngoài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần đối với người điều khiển phương tiện, còn làm cho người lái không làm chủ được phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường, là nguyên nhân chính của nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, mặc dù tai nạn giao thông thời gian vừa qua giảm mạnh, nhưng tai nạn liên quan đến xe tải nặng, xe container, xe khách tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2019, mà nguyên nhân chủ yếu đều liên quan tới ma túy. Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy. Theo đó, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện kiểm tra vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều tài xế tìm mọi cách để trốn tránh, tỏ thái độ thiếu hợp tác, không cho lấy nước tiểu để xét nghiệm. Bởi quy trình kiểm tra lái xe trong cơ thể có sử dụng ma túy phải mất khá nhiều thời gian. Nếu phát hiện lái xe dương tính với ma túy sau khi kiểm tra nhanh, lực lượng chức năng còn phải đưa lái xe đến bệnh viện xét nghiệm để bảo đảm có đủ căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến vấn đề kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các lái xe. Trong khi nhiều lái xe phải chịu áp lực lớn về mức doanh thu và thời gian vận chuyển hàng hóa do các DN đưa ra. Số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản xử lý hơn 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Trong đó có hơn 86 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 653 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.
Có thể nói rằng, chế tài xử phạt trong Nghị định 100 đã tăng cao, đã có tính răn đe lớn, nhưng các hành vi vi phạm do người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia, ma túy vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Vấn đề quan trọng hiện nay là các ngành chức năng cần triển khai thực hiện có hiệu quả và tạo được chuyển biến mạnh trong công tác ngăn ngừa lái xe sử dụng ma túy. Với phương châm ngăn chặn triệt để, đại biểu Bùi Quốc Phòng (đoàn đại biểu QH tỉnh Thái Bình) cho rằng: “Để xử lý nghiêm minh, có tính răn đe và phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng xảy ra đối với người sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông, đề nghị ban soạn thảo bổ sung hình thức xử phạt tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với hành vi vi phạm này, vì thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông nhiều nhất với hậu quả nặng nề nhất hiện nay phần lớn là do lái xe sử dụng ma túy. Quy định như vậy cũng phù hợp với điều 14 của Hiến pháp năm 2013”.