.

Sóng cả không ngã tay chèo

Cập nhật: 21:36, 12/10/2020 (GMT+7)

Báo BR-VT số ra ngày 6/10 có bài viết “Xuất khẩu sẵn sàng về đích”. Trong bài viết này, tác giả đã đề cập đến giám đốc của một DN hoạt động trong lĩnh vực chuyên sản xuất các sản phẩm bàn làm nail (móng tay) sang thị trường Mỹ, Australia, Canada. Điều đáng nói, trong khi nhiều DN đăng bố cáo giải thể, hoặc phải cắt giảm lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là các DN xuất khẩu thì DN này vẫn xuất khẩu đều đều mỗi tháng 3-4 container hàng (tương đương 60-80 tấn hàng). Và cho đến thời điểm này, DN đã ký hợp đồng đủ để duy trì sản xuất đến hết năm 2020.

Có được kết quả này, trước hết phải ghi nhận năng động, nhạy bén của giám đốc DN này. Thay vì ngồi chờ hết dịch để nhập nguyên liệu từ thị trường truyền thống là Trung Quốc, anh suy nghĩ, tìm tòi  thị trường khác để nhập nguyên liệu là thị trường Nhật Bản. Đồng thời, đặt hàng DN trong nước sản xuất một số bộ phận theo mẫu riêng. Với các làm này, công ty không chỉ bảo đảm đủ nguyên liệu sản xuất mà còn đáp ứng được tiêu chí hàng xuất khẩu. Qua đó, người lao động có việc làm ổn định, đóng góp một phần nhỏ vào thu ngân sách nhà nước.  

Câu chuyện năng động, nhạy bén về giám đốc của DN chuyên sản xuất các sản phẩm bàn làm nail như trên chỉ là một trong số hàng ngàn doanh nhân đại diện cho hàng ngàn DN vượt khó trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Có thể thấy, vấn đề trọng yếu nhất đối với các DN vẫn là đổi mới sáng tạo, tăng trưởng doanh thu, bảo vệ người lao động, duy trì nguồn vốn và giảm gián đoạn chuỗi cung ứng. Phần lớn DN đã thể hiện rõ các chiến lược kinh doanh có trách nhiệm. Rất nhiều doanh nhân đã luôn trăn trở bài toán làm sao để không sa thải người lao động. Điểm chung từ các DN này là chọn đối diện với khó khăn, sẵn sàng cho mọi tình huống, dù xấu nhất nên không lúng túng trước thời cuộc để “chèo lái” DN vững vàng trước mọi sóng gió.

Với doanh nhân, trong suy nghĩ họ không chỉ là những người làm ra của cải cho xã hội, là trụ cột trong sản xuất vật chất, họ còn gánh trên vai những trách nhiệm xã hội lớn lao hơn. Bởi vậy, thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ doanh nhân, các ngành chức năng cũng đã luôn đồng hành của DN, cởi bỏ mọi rào cản, cải cách, cắt giảm bớt các thủ tục tạo điều kiện cho doanh nhân làm ăn. Và thực tế không thể phủ nhận, dịch COVID -19 đã in dấu ấn khủng hoảng lên cộng đồng DN  Việt Nam nói chung, DN đang hoạt động tại BR-VT nói riêng. Tuy nhiên, như người ta vẫn thường nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”; có đứng trước khó khăn, mới thấy được rõ hơn khả năng quản lý, điều hành của đội ngũ doanh nhân. Để phục hồi và phát triển bền vững hơn, các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh vẫn rất cần sự trợ sức kịp thời của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc hỗ trợ họ tiếp cận vốn vay ưu đãi, mở rộng thị trường, quy mô sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước cũng như giữa DN với DN thông qua các hoạt động kết nối; tìm nguồn nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm, qua đó tăng năng lực cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

THU THẢO

 
.
.
.