.

Bài trừ video "nhảm" trên YouTube

Cập nhật: 18:32, 11/10/2020 (GMT+7)

“Hưng Vlog” là hiện tượng nổi như cồn trên mạng xã hội. Nhưng khi đã cạn kiệt ý tưởng, Hưng Vlog lại bắt đầu sa đà vào những clip giật gân, nhảm nhí. Sau án phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi đăng clip “nấu cháo gà cả con nguyên lông” Hưng Vlog vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục làm video “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết”. Vụ này khiến Hưng Vlog bị Sở TT-TT tỉnh Bắc Giang phạt 10 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ video khỏi YouTube…

“Chọc giận”, gây bức xúc dư luận và cộng đồng mạng không chỉ có Hưng Vlog mà còn nhiều YouTuber “đình đám” khác như N. T. N. Vlog, Ông Mập Vlog, Hậu Cáo Vlog, Tiến Lắp… Để câu kéo người xem và kiếm tiền từ YouTube, đội quân này đã không ngừng nghĩ ra những clip nhảm nhí, độc hại, bất chấp thuần phong mỹ tục, văn hóa ứng xử, quy định của pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách của trẻ em, kéo văn hóa nghe - xem của xã hội đi xuống. Điều đáng nói là những video nhảm nhí, vô bổ này lại thu hút được số đông người xem, thậm chí lên đến hàng triệu lượt xem. Chính sự cổ súy, ủng hộ cuồng nhiệt của một số người đã khiến các YouTube ngày càng trượt dài trong việc làm video “nhảm”, bất chấp chuẩn mực đạo đức xã hội cũng như quy định của pháp luật. 

Thống kê của YouTube cho thấy, Việt Nam có 350 kênh video với trên 1 triệu lượt đăng ký. YouTube cũng là nền tảng có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam và là nơi sản sinh ra nhiều trào lưu xấu. Vì lợi nhuận, vì số lượt view, số lượng đăng ký kênh, nhiều YouTube đã bất chấp tất cả, từ vấn đề nội dung, bản quyền, giá trị nhân văn của mỗi sản phẩm. Trước thực trạng video giật gân, phản cảm xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, ngày 6/10, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý. 

Khách quan mà nói, thời quan qua cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hàng chục ngàn video nhảm trên YouTube. Nhưng “sau mỗi lần quét sạch lại có rác mới”. Ấy là vì YouTube là một mạng xã hội mở, chưa có quy ước về “video nhảm”, việc xử lý các nội dung như vậy là một bài toán khó trong điều kiện tự do thông tin xuyên biên giới, theo chia sẻ của ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ( Bộ TT-TT). 

Song, nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam không thể xử lý rốt ráo nạn video “nhảm” trên YouTube. Các cơ quan chức năng vẫn có thể làm việc và yêu cầu YouTube, Facebook hợp tác để điều chỉnh pháp luật và chính sách về nội dung đăng tải, vẫn có thể có những biện pháp mạnh tay với những đối tượng vi phạm. Thực tế cho thấy Bộ TT-TT đã nhiều lần làm việc với YouTube, Facebook yêu cầu xử lý các thông tin ảnh hưởng tới cộng đồng. Một số kênh, như của “Khá Bảnh”, Hưng Vlog…, đều bị xử lý nhờ sự phối hợp của cơ quan chức năng và các mạng xã hội này. 

Thuốc đắng dã tật. Để chặn đứng có hiệu quả các YouTuber, Vlog vi phạm, cơ quan chức năng cần có biện pháp chế tài mạnh mẽ, quyết liệt, buộc chủ kênh ký cam kết nếu tái phạm sẽ bị xử lí thật nặng. Mức phạt như hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe. 

Các bạn trẻ hãy là những người xem có văn hóa, kiên quyết với nguyên tắc “không xem, không tương tác, hãy report”. Khi có lượng report đủ, YouTube sẽ xem xét xoá những video “nhảm” ấy bằng cả trí tuệ nhân tạo lẫn theo cách thủ công. Lên tiếng, bày tỏ phản ứng thông qua hành vi phản hồi, báo cáo với mạng xã hội để họ điều chỉnh, xoá bỏ những nội dung vi phạm, cũng là cách góp phần “làm sạch” những vùng tối của nền tảng YouTube. 

HẢI LĂNG

 

.
.
.