"Tiếp sức" học sinh đến trường
Hôm nay (ngày 2/10), UBND tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 12 ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2020), kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Khuyến học tỉnh và trao học bổng khuyến học cho HS, SV hiếu học năm 2020.
Ngày 2/10/1996, Chính phủ đã chủ trương thành lập một tổ chức xã hội có chức năng vận động toàn dân học tập với tên gọi Hội khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục, gọi tắt là Hội Khuyến học, với nhiệm vụ “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”, cùng với toàn xã hội thực hiện mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Năm 2008, Chính phủ quyết định lấy ngày 2/10 hàng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam”.
Người Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Thời phong kiến, nhiều tấm gương hiếu học đã xuất hiện và còn lưu truyền đến ngày nay như: Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Khuyến, Lương Thế Vinh… Thời hiện đại, đất nước cũng có nhiều tấm gương hiếu học, tiêu biểu như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, dù bị liệt cả hai tay từ nhỏ, nhưng ông đã vượt qua nghịch cảnh, trở thành nhà giáo ưu tú, lập kỷ lục Việt Nam “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Hàng ngàn tấm gương vượt khó hiếu học cũng xuất hiện trên khắp các vùng miền trong cả nước trong thời gian qua.
Kinh tế đất nước ngày càng phát triển, nhiều gia đình có điều kiện chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn nhưng vẫn còn nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, không thể lo cho con đi học. Nhiều HS dù học giỏi và ham học nhưng đành phải gác lại ước mơ đến trường, nghỉ học ở nhà phụ ba mẹ làm kinh tế. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Hội Khuyến học từ cấp Trung ương đến cơ sở là rất kịp thời. Hội giữ vai trò cầu nối giữa những tấm lòng thiện nguyện, các nhà hảo tâm với những tấm lòng hiếu học thông qua quỹ khuyến học. Cụ thể, Hội Khuyến học các cấp đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN, cá nhân giúp đỡ bằng cách trao học bổng, tặng đồ dùng học tập, đồng phục… Nhờ đó, hàng chục triệu lượt HS có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước được “tiếp sức” đến trường, viết tiếp giấc mơ học hành và trở thành những người có ích cho xã hội. Nhiều người trong số đó đã học hành thành đạt và có điều kiện quay trở lại giúp đỡ những HS cùng cảnh ngộ như mình trước đây.
Sự phát triển và lớn mạnh của các quỹ “khuyến học, khuyến tài” đã chia bớt khó khăn, động viên các HS, SV vượt khó, học giỏi, góp phần mang lại sự công bằng trong học tập, tạo điều kiện cho các HS, SV nghèo cũng như các em có hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội đến trường. Hơn nữa, sự giúp đỡ đó còn tạo động lực thúc đẩy các em HS, SV nghèo vươn lên, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc.
Hội Khuyến học tỉnh BR-VT được thành lập ngày 1/9/2000. Từ khi thành lập đến nay, Hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và hoạt động có hiệu quả. Tổ chức hội đã bao phủ đến cả cấp thôn, ấp, khu phố và các trường học, DN, cơ quan, đơn vị. Hàng năm, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã huy động hàng chục tỷ đồng để trao học bổng khuyến học, khuyến tài, tặng quà, đồ dùng học tập cho hàng ngàn HS, SV. Phong trào khuyến học, khuyến tài ở các địa phương cũng được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, khơi dậy truyền thống hiếu học, khuyến khích toàn dân học tập, góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Bên cạnh các cơ quan, đơn vị, nhiều dòng họ đã xây dựng được quỹ khuyến học để trao học bổng, khen thưởng cho con cháu học giỏi. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng vay mượn, cầm cố, thậm chí là bán cả nhà cửa, đất đai để lo cho con cái học hành đầy đủ.
Những kết quả Hội Khuyến học các cấp và phong trào khuyến học, khuyến tài đã đạt được là rất đáng ghi nhận. Để phát huy những thành quả đó trong thời gian tới, Hội Khuyến học các cấp cần tiếp tục giữ vai trò cầu nối, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận động nhằm có hình thức giúp đỡ thiết thực hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh của từng HS, SV và giúp nhiều HS, SV được “tiếp sức” đến trường.
NGUYỄN ĐỨC