Gỡ "vướng" cho nông nghiệp công nghệ cao
Ông Tư Cang và mấy người bạn ở xã Xà Bang, huyện Châu Đức vừa uống cà phê vừa dán mắt lên màn ảnh nhỏ. Họ đang chăm chú theo dõi truyền hình trực tiếp phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh BR-VT lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. Mối quan tâm của các nông dân này là đại hội sẽ bàn những quyết sách gì để làm bật dậy 4 trụ cột kinh tế, trong đó có “trụ cột” nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) mà họ đang tích cực tìm hiểu, tham gia, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong những năm tới.
Ông Tư Cang dành nhiều thời gian tìm hiểu về NNUDCNC tại tỉnh nhà từ khi đầu tư vốn cho mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước tự động. Ông thuộc nằm lòng nội dung Ðề án số 04-về phát triển NNUDCNC tầm nhìn đến năm 2025 với mục tiêu tăng tổng sản phẩm sản xuất nông nghiệp và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên gấp 1,3 lần so với năm 2019; đưa tỷ trọng tổng sản phẩm của sản xuất NNUDCNC đến năm 2025 chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; Xây dựng, đưa vào hoạt động 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao, kêu gọi thu hút nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ. Ông tin rằng, những mô hình NNUDCNC đó sẽ mang đến diện mạo mới cho ngành nông nghiệp của BR-VT, tạo ra những sản phẩm bảo đảm an toàn và chất lượng, tăng thu nhập cho nông dân. Thế nhưng, để NNUDCNC phát triển mạnh mẽ, theo ông chính quyền, cơ quan chức năng cần có thêm những cơ chế, chính sách mới, tạo điều kiện cho DN và nông dân được tiếp cận đất đai, nguồn vốn và phát triển thị trường.
Không chỉ có BR-VT, thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều chương trình, dự án được triển khai với hy vọng tạo ra sự đột phá, đưa nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao. Tuy vậy, sau thời gian đầu triển khai, không ít dự án đã nhanh chóng hụt hơi, sản xuất cầm chừng; Giá trị các sản phẩm NNUDCNC chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị ngành nông nghiệp của địa phương.
Để thu hút DN, nông dân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, các địa phương phải gỡ được 2 “rào cản” về nguồn vốn và đất đai… Những hạn chế này đã khiến cho các chương trình, dự án NNUDCNC của hầu hết DN, nông dân có quy mô nhỏ, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch lạc hậu, tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Đó là chưa nói đến các chương trình, dự án NNUDCNC chưa gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường; Lực lượng lao động cho nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu và yếu. Đây thực sự là những rào cản khiến các địa phương chưa thu hút được những dự án NNUDCNC tầm cỡ.
Ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp để có nền sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu. Đây cũng được coi là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì lẽ đó, mỗi địa phương nên phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm có giá trị kinh tế cao thay vì chạy theo phong trào.
Yếu tố thị trường đầu ra đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, do vậy cần được đầu tư đúng mức, từ khâu ban hành cơ chế, chính sách đến việc triển khai thực tiễn. Gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với du lịch và quảng bá sản phẩm, góp phần khai thác thế mạnh văn hóa, nét đặc trưng của các vùng miền, địa phương cũng là vấn đề cần được tính đến.
Tháo gỡ những “rào cản” về đất đai và nguồn vốn để DN và nông dân có điều kiện “tích tụ” đất đai, gắn với giá trị gia tăng trong từng khâu của chuỗi giá trị nông sản bằng hàm lượng khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao của cả nước nói chung và BR-VT nói riêng sẽ tạo bước đột phá trong chuyển đổi mô hình, gắn sản xuất lớn với công nghệ cao, tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam thông minh và bền vững.
NGUYỄN TRIỆU HẢI