Nỗi lo sách giáo khoa giả!
Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) vừa phối hợp với Phòng PA 03 (Công an TP. Hà Nội) kiểm tra và thu giữ hàng ngàn cuốn sách và hàng tấn sách bán thành phẩm đang được in tại cơ sở kinh doanh ở Nam Từ Liêm (Hà Nội). Trong số sách lậu, sách giả chuẩn bị tung ra thị trường này có gần 60.000 sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo giả. Tất cả số sách này đều có mã vạch, tem chống hàng giả được làm hết sức tinh vi, người tiêu dùng khó có thể nhận biết được bằng mắt thường.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ làm SGK giả bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời điểm năm học mới 2020-2021 vừa mới bắt đầu. Trên thực tế, số SGK giả đã được phụ huynh, học sinh mua dùng không ai có thể kiểm đếm, thu hồi; số SGK giả bày bán ở các hiệu sách, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tạp hóa các tỉnh, thành phố chưa được phát hiện ra cũng rất lớn. Hàng ngàn đầu SGK giả này trộn lẫn vào số SGK thật do các NXB ấn hành, tạo nên tình trạng “vàng thau lẫn lộn” làm người mua khó phân biệt được đâu là sách thật, đâu là sách giả.
Theo thống kê của NXB Giáo dục, từ năm 2010 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước. SGK bị làm giả phần lớn là vở bài tập Toán, tiếng Việt lớp 1 đến lớp 5, sách bài tập các môn chính từ lớp 6 đến lớp 9; Sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ, Atlas địa lý, đĩa CD nghe nhìn giáo dục. Đặc biệt, sách bài tập tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9 bị làm giả khá nhiều. Các cuốn sách giả này chất lượng giấy kém, các trang bị lộn xộn, dễ bung gáy, hình ảnh không rõ nét, màu mực nhợt nhạt, không được cập nhật nội dung mới nhất. Điều đáng nói là chúng đều được gắn thẻ cào “Sách Mềm” giả không kích hoạt sử dụng được, gây khó khăn cho thầy cô giáo và các em học sinh.
SGK giả có đất sống do có giá thành sản xuất rẻ và chiết khấu cao nên dễ dàng xâm nhập vào thị trường thông qua các hiệu sách nhỏ, nhất là cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tạp hoá.
SGK giả gây tác hại rất lớn. Giá thành của SGK giả chỉ bằng 2/3, thậm chí bằng nửa so với sách thật là “đòn chí mạng”, gây thiệt hại lớn về quyền lợi và uy tín của tác giả và NXB. Tai hại hơn, những sai sót về ký hiệu, nét chữ, màu sắc, kiến thức hay thiếu dữ liệu trong SGK giả… có thể khác hẳn ý nghĩa, dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức tiếp nhận của học sinh.
SGK giả là một vấn nạn lớn của ngành giáo dục nước ta. Kể từ năm học 2020-2021, khi Bộ GD-ĐT chính thức triển khai sử dụng nhiều bộ SGK trong giảng dạy và học tập, tình trạng sản xuất và tiêu thụ SGK giả càng trở thành mối lo lắng của các NXB, đặc biệt là NXB Giáo dục.
Khi các cơ sở làm SGK giả còn mờ mắt vì lợi nhuận khổng lồ từ hành vi này, đồng thời khi chế tài xử lý của pháp luật còn hạn chế, nạn SGK giả sẽ còn hoành hành. Để ngăn chặn vấn nạn này, các NXB cần phải tính đến giải pháp giảm giá SGK để chống in lậu, bởi khi giá sách xuống thấp, những cơ sở in lậu khó có thể có lãi với số lượng in nhỏ. Giải pháp này sẽ hiệu quả sẽ hơn hẳn những biện pháp đã áp dụng trước đây như sử dụng bìa sách đặc chủng và dán tem chống hàng giả.
Mặt khác cần có những hành lang pháp lý và chế tài mạnh để đủ sức ngăn chặn nạn in và phát hành SGK giả. Khung hình phạt đối với các hành vi in án, buôn bán sách giả, sách lậu hiện vẫn còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Việc cần làm là các lực lượng chức năng tăng cường quản lý chặt các cơ sở in ấn, xử lý triệt để những đối tượng in lậu SGK.
Để khỏi “tiền mất tật mang” các bậc phụ huynh và học sinh không mua SGK từ những nguồn trôi nổi mà nên mua sách từ những hệ thống phân phối chính thức của NXB Giáo dục, các công ty sách và thiết bị trường học tại các địa phương.
NGUYỄN HƯNG NHƠN