Trường học phải là nơi an toàn
Năm học mới vừa bắt đầu được ít ngày, nhưng một số địa phương liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng liên quan đến tính mạng của HS. Một tuần trước, cổng trường ở tỉnh Lào Cai đổ sập đã đè chết 3 HS, khiến 3 HS khác bị thương. Sự việc chưa hết xôn xao dư luận thì 4 ngày sau, bức tường rào của một trường học ở tỉnh Nghệ An cũng đổ sập, đè chết 1 HS. Trước đó, cuối tháng 5, cây phượng ở một trường học tại TP. Hồ Chí Minh đã bật gốc đè chết 1 HS…
Những tai nạn thương tâm như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra tại các trường học trong cả nước, khó có thể kể hết được. Sau mỗi vụ việc, chính quyền địa phương và ngành giáo dục lại rầm rộ chỉ đạo xử lý hậu quả và tìm cách ngăn ngừa nguyên nhân theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Chẳng hạn, sau vụ cây phượng trong trường THCS ở TP. Hồ Chí Minh đổ đè chết HS, hàng loạt trường học trong cả nước đã tổng rà soát và đốn hạ nhiều cây xanh một cách không thương tiếc với phương châm “thà chặt nhầm còn hơn bỏ sót”! Hay như sau vụ cổng trường ở Lào Cai và bức tường trường học ở Nghệ An đổ sập, hàng loạt trường học mới rà soát lại cơ sở vật chất.
Các nhà trường đã có nhiều thời gian và cơ hội để ngăn ngừa những tai nạn tương tự như vậy. Thông thường, sau khi kết thúc năm học, các nhà trường thường kiểm tra, rà soát về cơ sở vật chất, qua đó đề xuất chính quyền địa phương bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa các hạng mục xuống cấp, hư hỏng. Nhưng ngay cả khi đã vào năm học, công việc này cũng nên thực hiện thường xuyên, hàng ngày, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Việc rà soát các mối nguy đe dọa sự an toàn của HS và thầy cô giáo là trách nhiệm của nhiều người, từ ban giám hiệu đến từng giáo viên và cả những người bảo vệ, nhân viên tạp vụ. Đây là công việc liên quan đến sự an toàn của con người nên đòi hỏi những người có trách nhiệm phải nêu cao ý thức trách nhiệm, kiểm tra, rà soát một cách cặn kẽ, tỉ mỉ chứ không phải là làm chiếu lệ để kịp thời có hướng khắc phục, xử lý, ngăn chặn sớm các nguy cơ, tai nạn có thể xảy ra.
Khi gửi con đến trường, phụ huynh thường gửi trọn niềm tin vào nhà trường, bởi học đường được coi là môi trường an toàn nhất với trẻ. Nơi đó có thầy cô giáo, có bảo vệ và thường là nơi “kín cổng cao tường”. Nhưng tuổi HS là lứa tuổi hiếu động, ưa tìm tòi, khám phá và có phần nghịch ngợm hơn lứa tuổi khác. Thật khó để yêu cầu các em ngồi yên một chỗ trong giờ ra chơi, khi mà các em đã bị gò bó trong suốt giờ học căng thẳng với những bài toán, những con chữ. Theo đó, nguy cơ mất an toàn với HS luôn tiềm ẩn.
GV hay bác bảo vệ không thể để mắt đến hoạt động của từng em trong số hàng ngàn HS ở những phút giải lao giữa giờ hoặc trong thời gian chờ phụ huynh đến đón sau giờ tan trường. Do vậy, để đề phòng tai nạn xảy ra với HS, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, nhà trường, GV cần hướng dẫn, tuyên truyền, cảnh báo, nhắc nhở HS, giúp các em có đủ kiến thức và nhận thức về những mối nguy hiểm xung quanh, từ đó tránh xa hoặc có cách xử lý phù hợp khi xảy ra tình huống bất ngờ. Đồng thời, HS phải thông báo cho GV và nhà trường những nguy cơ đe dọa sự an toàn của chính mình. Như vậy, nhà trường mới thực sự trở thành nơi an toàn cho HS mỗi khi rời xa mái nhà thân yêu của mình!
ĐỨC NGUYÊN