.

Không để lãng phí thị trường tiềm năng

Cập nhật: 19:24, 09/09/2020 (GMT+7)

Báo BR-VT số ra ngày 9/9 có bài viết “DN tìm cơ hội ở thị trường nội địa”, phản ánh tình trạng các DN xuất khẩu quay về tìm cơ hội ở thị trường trong nước, trước thực trạng các đơn hàng ở nước ngoài ngày càng thu nhỏ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc hướng về “sân nhà” cũng tạo được cho các DN một thị trường ổn định để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Đến lúc này, không ít DN nhận ra thị trường nội địa vẫn là mảnh đất tiềm năng và buộc phải giữ trước khi phải cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Đặc biệt là khi đất nước

 đang hội nhập sâu rộng, các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Một DN trong lĩnh vực may mặc cũng cho biết, từ năm 2019 trở về trước, 100% sản phẩm của công ty đều xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến việc giao thương bị đình trệ, hàng hóa không xuất khẩu được, công ty cũng chịu tổn thất rất lớn. Theo DN này, những năm trước đây là thời điểm đơn hàng đã được ký đến cuối năm, thậm chí 6 tháng đầu năm sau. Các DN khác cũng trong tình trạng thấp thỏm chờ thông tin từ phía đối tác, nhưng các đơn hàng vẫn ký nhỏ giọt từng tháng. Không thể chờ đợi thêm, DN này đã phải lên phương án tập trung vào thị trường nội địa để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm khi hàng tồn kho ngày càng chất cao hơn. Trong đó, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tiếp cận các siêu thị, cửa hàng thời trang… “Dù chưa giải quyết hết lượng hàng tồn nhưng thị trường nội địa cũng góp phần duy trì việc làm cho người lao động”, lãnh đạo DN này nói và cho biết, về lâu dài thị trường nội địa sẽ được đẩy mạnh khai thác nhiều hơn khi người tiêu dùng trong nước rất ưa chuộng và tin dùng hàng Việt, đặc biệt là hàng chất lượng cao. 

Với quy mô gần 100 triệu dân, Việt Nam lại có cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50), chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714USD/tháng vào năm 2020, tầng lớp trung lưu đông đảo và ngày càng phát triển, thị trường nội địa được xem là “mảnh đất” tiềm năng, màu mỡ để DN khai thác, không chỉ vượt qua khó khăn thời COVID-19 mà còn là xu hướng phát triển bền vững trong tương lai. Trong khi tình hình xuất khẩu còn mờ nhạt về tín hiệu hồi phục, thị trường nội địa được đánh giá ổn định và đặc biệt có “sức chống chịu” tốt hơn. Đây không chỉ là giải pháp tối ưu cho DN mà còn là động lực tăng trưởng của cả nền kinh tế. 

Dưới góc độ nhà quản lý, Bộ Công thương đã trình Chính phủ chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn hiện nay đến 2025, tầm nhìn đến 2035 với nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường trong nước. Về phía DN, cần liên kết, liên doanh, từ đó giảm chi phí, hạ thấp giá thành, tạo các sản phẩm có giá trị, hàng hóa có đủ xuất xứ phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị bán buôn bán lẻ, với các ngành để tạo ra những chuỗi giá trị của DN trong nước. Dư địa còn rất lớn, vấn đề là việc tận dụng như thế nào phụ thuộc rất nhiều về phía DN, cũng như các chính sách tài khóa kích cầu của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để làm lực đẩy. Từ đó khẳng định chỗ đứng trên sân nhà, cũng như tự tin vươn ra thị trường quốc tế ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các nền kinh tế mở cửa trở lại.

NGÔ GIA

.
.
.