.

Mong có nhiều tỉ phú USD công khai

Cập nhật: 22:52, 06/09/2020 (GMT+7)

Cách đây hơn tuần lễ, Al Jazeera - một đài lớn và có sức ảnh hưởng ở Trung Đông đã công bố loạt bài điều tra về chính sách mà họ gọi là “mua bán hộ chiếu châu Âu” của Cộng hòa Cyprus - Síp (một đảo quốc nhỏ, thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) ở phía Đông Địa Trung Hải) trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019. Những người muốn “mua hộ chiếu” Síp được cho là phải đầu tư tối thiểu 2,5 triệu đôla (khoảng 57 tỉ VND). Theo đài này, ít nhất 26 công dân VN tham gia vào chương trình đầu tư cho “hộ chiếu vàng” trong giai đoạn nói trên, trong đó có ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận TP.Hồ Chí Minh.

Ở ngoài đời cũng như trên mạng, nhiều người đã “trà dư tửu hậu” rằng, bỏ ra 57 tỷ đồng để mua “hộ chiếu vàng” phải là những đại gia “có máu mặt”. Có điều, không biết họ làm giàu từ đâu, đồng tiền mà họ đầu tư vào “hộ chiếu vàng” có đáng tin cậy, bởi theo đài Al Jazeera, đảo quốc Síp đã bán hộ chiếu cho cả những kẻ trốn tránh pháp luật và những người được coi là có nguy cơ tham nhũng cao.

Số lượng người giàu VN - tính bằng tỷ phú USD ngày một nhiều lên là điều tốt lành và đáng khích lệ. Bởi, một tỉ phú USD được công bố công khai, có nghĩ là công việc kinh doanh của họ diễn ra minh bạch, lợi nhuận làm ra là kết quả của một quá trình cạnh tranh và nỗ lực kinh doanh, đồng tiền của họ là “đồng tiền của mồ hôi nước mắt” và thu nhập của họ là rõ ràng, có thể kiểm tra được.

Theo danh sách mà tạp chí Forbes công bố, VN có 4 tỉ phú USD được xếp hạng trong danh sách các tỉ phú thế giới năm 2020. Đó là ông, bà Phạm Nhật Vượng (ông chủ Vingroup), Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO của Vietjet Air), Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco), Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan) và Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank). Các chuyên gia kinh tế, tài chính, giới truyền thông và cả người dân hy vọng VN sẽ ngày càng có thêm nhiều tỷ phú USD công khai.

Thế nhưng trên thực tế có những vụ việc khiến người ta phải nghi ngờ, lo ngại. Chỉ trong vài năm - thậm chí vài tháng ngắn ngủi, đã có những “tiểu công ty” trở thành những DN, tập đoàn hoành tráng, những giám đốc “thường thường bậc trung” bỗng lột xác trở thành những “tổng giám đốc”, “chủ tịch tập đoàn” đường bệ, nắm giữ hàng trăm triệu USD tài sản qua bất động sản, cổ phiếu, tiền mặt... được nhắc đến như những điển hình thành công trên thương trường. Thế nhưng, trong khi những hình mẫu tỷ phú USD  làm giàu thông qua tạo ra những giá trị gia tăng cho xã hội và kinh tế, chứng minh được vì sao họ có ngần ấy tài sản,thì những “đại gia” đột ngột phất lên này không thể chứng minh được tài sản mà họ có, thậm chí họ còn sợ người ta biết được dấu vết hay nguồn gốc của đồng tiền. Điều đó khiến dư luận ngờ rằng những đại gia này làm giàu bằng những con đường không rõ ràng, minh bạch.

Thị trường còn “hoang sơ” và đầy tiềm năng ở VN hiện nay, cộng thêm nỗ lực vượt bậc của chính những doanh nhân đang tràn đầy khát vọng, có thể cho phép tin tưởng vào sự phát triển nhanh chóng và triển vọng hứa hẹn của họ. Nhưng không hiếm trong số đó, sự phát triển đột biến là nhờ “đi đường tắt”, những lối đi không mấy chính đáng và an toàn.

Trong kinh doanh, việc nắm bắt cơ hội là rất quan trọng, cũng là một cách thể hiện năng lực của doanh nhân. Và phát triển thật nhanh là điều ai cũng mong muốn. Trong kinh doanh, cũng không thể cố thủ mãi trong cái vỏ tiêu chí an toàn. Phải biết mạo hiểm và liều lĩnh thì mới có thể thành công. Tuy nhiên, có cơ hội phát triển quá nhanh cũng làm cho nhiều doanh nhân trẻ dễ đánh mất chính mình, không kịp chín chắn về nhận thức để nhìn thế giới chung quanh một cách tỉnh táo. Chỉ chăm chăm đầu tư cho các mối quan hệ, bỏ qua tuân thủ pháp luật và luôn nghĩ rằng mình khôn lanh, hợp thời và “biết sống”. Vì vậy, bên cạnh bài học thành công của các doanh nhân thành đạt, được xã hội thừa nhận, tôn vinh - như các tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh… các doanh nhân trẻ cũng rất cần lưu tâm đến những cảnh báo kịp thời, đó là luôn tôn trọng pháp luật, xây dựng mô hình kinh doanh trên nền tảng pháp luật, luôn đề cao tính công khai, minh bạch trong sản xuất, kinh doanh. Và dù “đi” bằng cách nào, cũng đừng quên nguyên tắc tối thượng là đạo đức kinh doanh. Đi chệch nguyên tắc ấy là con đường ngắn nhất dẫn đến nguy cơ đánh mất chính mình.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 
.
.
.