.

Doanh nghiệp du lịch cần trợ lực để sống!

Cập nhật: 07:05, 12/09/2020 (GMT+7)

BR-VT vẫn đang kiểm soát và phòng dịch tốt, chưa có ca dương tính nào xuất hiện trong cộng đồng. Thế nhưng, chạy dọc các trung tâm du lịch Bãi Sau, Bãi Trước qua đến Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm… Chỉ trông thấy sự trầm lắng! Những quán bar, beer club, tụ điểm giải trí, hàng quán dọc đường ven biển sau 1 tháng tạm ngưng hoạt động phòng dịch COVID-19, từ đầu tháng 9 đã mở cửa trở lại, song hy vọng đông khách tấp nập rất mong manh.

Từ đầu tháng 9 trở đi, du lịch BR-VT vào chu kỳ thấp điểm khách nội địa. Ở mùa du lịch thấp điểm những năm trước, dù lượng khách sụt giảm mạnh nhưng nguồn khách đoàn kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị khách hàng… vẫn nhiều đủ để các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn có nguồn thu trang trải chi phí. Thế nhưng, hiện nay thông tin từ khối kinh doanh lưu trú cho hay, trong tháng 9, tháng 10, các đoàn khách đã đặt phòng, dịch vụ trước đó đều đã huỷ, khách mới không có. Ở các DN lữ hành, tình hình cũng tương tự, khách đoàn huỷ tour vô thời hạn. Tour mới chào bán cho mùa Thu và cuối năm chỉ vài người hỏi. Dự báo mùa thấp điểm du lịch năm nay sẽ rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tâm lý e ngại du lịch vẫn bao trùm!

Trò chuyện với giới kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhiều người chia sẻ, với những cơ sở nhỏ, nguồn vốn đầu tư không nhiều, áp lực trả nợ ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ vào khoản thu nhập lai rai từ nhóm khách hè trước khi dịch COVID-19 bùng phát lần 2. Song đó chỉ là trạng thái cầm cự, không biết sẽ kéo dài trong bao lâu và được bao lâu.

Thực tế, sức chống chịu và nguồn lực tài chính của các DN du lịch - dịch vụ gần như đã kiệt quệ. Trên các trang mạng bất động sản, thông tin rao bán khách sạn, sang nhượng nhà hàng, quán ăn ngày càng nhiều. Thống kê của ngành du lịch đến hết tháng 8, lượng khách giảm hơn 42%, doanh thu du lịch giảm hơn 38% so với cùng kỳ năm trước càng minh chứng cho những khó khăn mà DN và ngành du lịch phải đối mặt khi dịch COVID-19 vẫn lửng lơ.

Mới đây, Sở Du lịch đã dự báo chỉ tiêu năm của toàn ngành chỉ đạt từ 40 - 60% kế hoạch và xây dựng kịch bản tổng thể truyền thông, quảng bá, kích cầu du lịch, kết nối tour tuyến ngay sau khi dịch được kiểm soát tốt. Việc xây dựng kịch bản phục hồi là cần nhưng khi DN đã kiệt sức, ưu tiên trước mắt là tiếp sức để DN sống mới quan trọng.

Trước đó, sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 1, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch như: Giảm thuế, giảm giá điện, lãi suất ngân hàng… Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của việc hỗ trợ chưa cao, giữa chính sách và thực tế vẫn còn độ vênh. Cho đến nay, DN mới tiếp cận được chính sách ưu đãi giá điện, giảm thuế, khoanh nợ vay trong thời gian ngắn. Các DN và lao động trong ngành du lịch chưa tiếp cận được khoản hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ; việc tiếp cận các gói tín dụng khác của ngân hàng cũng rất khó khăn.

Do vậy, điều DN cần hơn lúc nào hết trong lúc này là được trợ thở để sống qua mùa dịch với những chính sách hỗ trợ sát với thực tế. Kéo dài giảm giá điện, nước, viễn thông đến hết năm 2020; giảm lãi suất cho vay, hoãn trả nợ, khoanh nợ, giảm thuế đất, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khôi phục sản xuất-kinh doanh.

 CÁT HẢI

.
.
.