.

"Sốt ruột" với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Cập nhật: 20:52, 08/09/2020 (GMT+7)

Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “báo động” như trên tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố tổ chức cuối tháng 8 vừa qua.

Người đứng đầu Chính phủ “sốt ruột” cũng dễ hiểu. Bởi đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh có tỉ lệ DVCTT mức độ 4 dưới 10%. Số DVCTT được các bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia chỉ khoảng 1200. Đó là một con số quá khiêm tốn so với tổng số 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đang cung cấp cho người dân. Đáng lo ngại hơn là các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử vẫn chậm được triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai.

Sẽ không thừa khi nhắc lại rằng, theo quy định của Chính phủ, DVCTT chia làm 4 mức độ, trong đó mức độ 4 là cấp độ cho phép người dân có thể ngồi nhà hay bất cứ nơi đâu nộp hồ sơ và thanh toán phí, nhận được kết quả. Hồ sơ của dân bị “trục trặc” ở bất cứ mức độ nào thì việc triển khai DVCTT, mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử coi như chưa thành công.

So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, BR-VT được đánh giá là địa phương tiên phong, có nhiều kinh nghiệm và chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong việc thực hiện DVCTT. Từ năm 2010, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu cung cấp DVCTT mức độ 3 và 4. Tính đến nay, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã cung cấp DVCTT mức độ 3 đối với 386 TTHC, mức độ 4 đối với 197 thủ tục; các huyện, thành phố có 146 TTHC được triển khai DVCTT mức độ 3. Theo lộ trình mà UBND tỉnh đặt ra, đến năm 2020, cung cấp thêm tối thiểu 77 thủ tục qua DVCTT mức độ 3 và 66 thủ tục qua DVCTT mức độ 4.

Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, kết quả DVCTT ở BR-VT chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Những năm trước, rất ít hồ sơ được nộp qua con đường trực tuyến. Người dân hầu như không quan tâm đến những tiện ích công qua mạng mà nếu có cũng chỉ là tham khảo. Tâm lý chung của người dân, DN là muốn được gặp công chức trực tiếp nộp hồ sơ hơn. “Nộp hồ sơ qua mạng lỡ bị thất lạc và quá trình giải quyết có vướng mắc có khi còn mất nhiều thời gian hơn”, nhiều người dân chia sẻ. Tuy vậy, bất cập lớn nhất vẫn là nhận thức của lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa cao, chưa quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhanh chóng đưa DVCTT vào cuộc sống.

Kể từ ngày 10/6, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh BR-VT được chính thức đưa vào sử dụng tại địa chỉ: www.dichvucong.baria-vungtau.gov.vn. Đồng thời, đưa vào vận hành tạm thời phần mềm Một cửa điện tử VNPT-iGATE trong thời gian chờ phần mềm một cửa điện tử thống nhất của tỉnh hoàn tất các thủ tục theo quy định. Đây là dịp để người dân, tổ chức, DN chuyển mạnh sang sử dụng DVCTT. Điều này không chỉ giúp thực hiện CCHC và triển khai Chính phủ điện tử mà còn giúp người dân giảm chi phí, thời gian đi lại, góp phần phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Mục tiêu của việc cung cấp DVCTT là tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ hành chính; tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm phiền hà cho người dân, tổ chức. Để thay đổi thói quen của người dân từ gửi hồ sơ trực tiếp sang trực tuyến, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nêu bật lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng DVCTT. Làm sao để người dân an tâm rằng hồ sơ nộp trực tuyến vẫn được giải quyết như nộp trực tiếp, được hỗ trợ kịp thời khi thiếu thông tin và tiến độ xử lý được công khai để họ theo dõi. Điều quan trọng là khi nộp hồ sơ trực tuyến, người dân không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Khi số “công dân điện tử” tăng lên thì số người dân đến với DVCTT cũng sẽ tăng lên.

Bài học quan trọng trong triển khai, thúc đẩy DVCTT là sự quyết liệt của người đứng đầu. Nơi nào người đứng đầu vào cuộc thật sự thì nơi đó đạt kết quả cao. Đó chính là “cách làm mới” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi ý, đưa ra tại hội nghị nói trên.

DVCTT được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ sẽ là bước tiến lớn trong cải cách hành chính, giúp bộ máy hành chính của Chính phủ kiến tạo vận hành suôn sẻ và hiệu quả.

HẢI LĂNG

 

 

.
.
.