Bất an xe giường nằm!
Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây các vụ cháy xe khách giường nằm xuất hiện trở lại, gây bất an cho những người chọn loại phương tiện này để di chuyển trên quãng đường dài.
Hành khách không thể không lo lắng khi 2 tuần qua, cả nước xảy ra 4 vụ cháy xe khách giường nằm. Tuy không có thiệt hại về người nhưng những chiếc xe giường nằm và hành lý của hành khách đều bị lửa thiêu rụi.
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua trong hành khách lưu truyền câu nói: “Xe giường nằm, vừa nằm vừa run!”. Số vụ xe khách giường nằm “tự cháy” khi đang dừng hoặc đang lưu thông ngày càng nhiều lên, khiến dư luận phải đặt câu hỏi vì sao xe khách giường nằm dễ cháy, nguyên nhân do đâu… và kiến nghị cơ quan chức năng siết chặt quản lý từ khâu thiết kế đến vận hành của loại phương tiện này.
Các vụ cháy xe đang được cơ quan chức năng phân tích, xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, việc hoán cải xe khách thành xe khách giường nằm đang bị nghi ngờ là một trong các nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ cháy xe.
Khảo sát của nhiều chuyên gia cho thấy, trong quá trình hoán cải, nhiều chủ xe đã tự thay đổi thiết kế, trong đó đáng lo ngại là việc lắp đặt thêm các thiết bị điện tử không theo quy định, gây quá tải cho hệ thống điện của xe. Việc xe phải liên tục vận hành, không bảo đảm số thời gian dừng, nghỉ theo quy định dẫn đến phát sinh nhiệt cao ở động cơ cũng được nhận định là một nguyên nhân dễ gây ra cháy nổ cho xe.
Được quảng bá là “xe chất lượng cao”, thoáng mát, rộng rãi, tiện nghi nhưng trên thực tế nhiều xe giường nằm chật chội, nóng bức. Để có thể chở nhiều khách, nhà xe đã lắp đặt thêm nhiều giường, các khung giường không được bọc nhựa mềm nhằm hạn chế va đập, ghế nằm cũng thiếu đai an toàn, nhiều xe không có búa thoát hiểm… Hầu hết các xe giường nằm chỉ có 1 cửa lên xuống khiến cho việc thoát hiểm khi xảy ra cháy thêm khó khăn.
Xe giường nằm là một trong những lựa chọn hàng đầu của nhiều hành khách khi phải di chuyển trong chặng hành trình dài. Chọn loại phương tiện này là họ mong được thoải mái, đỡ mệt mỏi và tiết kiệm được nhiều thời gian vì xe chạy cả ban đêm. Con số trên dưới 5.000 xe giường nằm đang lưu hành trong cả nước nói lên nhu cầu đó của các “thượng đế”. Tiếc rằng, rất nhiều xe giường nằm không như kỳ vọng. Trên thực tế, đa số hành khách không có được thoải mái trong suốt cuộc hành trình. Thay vào đó là cảm giác nghẹt thở, tù túng vì chiếc xe nhét đầy cứng khách.
Nhiều cơ chế, chính sách đối với xe giường nằm đã được Bộ GT-VT ban hành, trong đó có 2 văn bản đáng chú ý: Thông tư 63/2014 quy định, từ ngày 1/7/2015, xe khách có giường nằm 2 tầng không được hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi (Quy định này được đưa ra sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Lào Cai xảy ra với xe khách giường làm 14 người chết và hơn 30 người khác bị thương ngày 1/9/2014). Cũng trong năm 2014, Bộ trưởng Bộ GT-VT chấp thuận đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam cấm việc hoán cải xe ghế thành xe giường nằm. Thế nhưng, các quy định, lệnh cấm trên chỉ tồn tại trên giấy. Trên thực tế, hàng ngàn xe ghế vẫn được hoán cải thành xe giường nằm, lưu hành khắp mọi nẻo đường đất nước.
Hàng loạt các vụ cháy xe khách giường nằm xảy ra gần đây gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi cơ quan chức năng có biện pháp “quản” chặt xe khách giường nằm. Vì sự an toàn của hành khách, dư luận mong chờ ngành GT-VT tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm chấm dứt tình trạng tự ý thay đổi thiết kế, lắp đặt thêm giường, ghế, cơi nới hầm hàng, thiếu các thiết bị an toàn của loại hình xe khách này. Các cơ sở đào tạo lái xe bổ sung giảng dạy các nội dung về phòng chống cháy, nổ đối với xe khách giường nằm; Công tác đăng kiểm cũng cần được siết chặt, chỉ những xe đủ điều kiện theo đúng quy định, thiết kế không bị thay đổi so với hồ sơ ban đầu của nhà sản xuất mới được cấp phép lưu hành.
Chỉ khi các quy định trên đây được các hãng xe, nhà xe tuân thủ triệt để, cơ quan chức năng xử lý quyết liệt, nghiêm túc những trường hợp vi phạm, người dân mới hết bất an với phương tiện xe khách giường nằm.
NGUYỄN TRIỆU HẢI