.

Cầu vồng sau cơn mưa

Cập nhật: 22:07, 18/03/2020 (GMT+7)

Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn từ chính sách liên quan, hiện nay một số DN đã tự thân tìm các giải pháp cho riêng mình. Đó là chủ động, sáng tạo như điều chỉnh nguồn nguyên liệu, tái cơ cấu thị trường đầu ra. Giám đốc một DN chuyên về sản xuất tinh nghệ mật ong cho biết, cuộc sống sẽ vẫn tiếp tục và sẽ còn rất nhiều con đường để họ có thể khai phá. Đó chính là thị trường nội địa. Trước khi xảy ra dịch COVID-19, mỗi tháng DN này có 2 đơn hàng ổn định xuất sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Thế nhưng từ đầu tháng 2 đến nay, phía đối tác tạm ngưng đơn hàng khiến cho lượng tồn kho tăng cao. Trong khi đó lương công nhân và các khoản chi phí khác vẫn phải chi trả. Thay vì tạm ngưng hoạt động thì một mặt DN vẫn duy trì sản xuất, mặt khác tăng cường tiếp cận các đại lý, cửa hàng bán lẻ trong nước. Dù lượng hàng bán ra vẫn chưa nhiều nhưng bắt đầu ghi nhận tín hiệu tốt từ thị trường nội địa khi một số nhà phân phối ký kết hợp đồng tiêu thụ. Đặc biệt là chưa bao giờ, các DN hợp tác cùng nhau chia sẻ nguồn nguyên liệu và cả khách hàng như hiện nay. Các thông tin tìm kiếm nguyên liệu đầu vào, nhu cầu mua, bán hàng và thông tin từ các nhà phân phối trong và ngoài nước liên tục được cập nhật và chia sẻ cùng nhau. Bên cạnh hỗ trợ nhau, các DN cũng đang tái cấu trúc, xây dựng lại chiến lược kinh doanh, tìm thêm thị trường mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để khi sau dịch, có thể trở lại sản xuất, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc đề xuất các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương thì DN cần bình tĩnh xác định lại chiến lược phát triển dài hạn, bởi các hỗ trợ từ Nhà nước chỉ mang tính thời điểm và dịch bệnh là một trong trong những rủi ro mà DN đang phải đối mặt. Có nghĩa là, sự cố này cũng chính là cơ hội để các DN nhìn lại hướng đi của mình, thay đổi tư duy, nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với tình hình, đầu tư cho công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện, nắm bắt cơ hội, có giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Cũng phải nhắc đến câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân diễn ra ngày 12/3 vừa qua: “Việt Nam có 800.000 DN và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, thì lúc này, các DN, tập đoàn là các “pháo đài” cùng cán bộ, công nhân lao động trong phòng chống dịch”. Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, dịch bệnh khiến nhiều chuỗi giá trị bị đứt gãy đột ngột, nhưng lại hình thành thêm mối liên kết mới giữa các DN Việt Nam, giữa DN Việt Nam với thị trường trong nước với gần 100 triệu dân đầy tiềm năng, đồng thời thúc đẩy năng lực sáng tạo, trách nhiệm công vụ... Các DN cũng đã chuẩn bị sẵn tâm thế và sự lạc quan về tương lai sẽ ngăn chặn được dịch trong một ngày sớm nhất. “Luôn có cầu vồng sau cơn mưa, đây có thể là một cuộc sàng lọc lớn để khi cơn bão COVID-19 qua, những DN hoạt động thực chất, đem lại giá trị thật cho nền kinh tế sẽ trụ lại và mạnh mẽ hơn”, như lời một DN chia sẻ.

NGÔ GIA

.
.
.