Sử dụng nước có trách nhiệm
Gần 3 tháng qua, nhiều tỉnh, thành phía Nam đối mặt với đợt hạn hán được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử.
Tại Lâm Đồng, nguồn nước ở nhiều sông, suối, ao hồ thủy lợi ở các địa phương sụt giảm nghiêm trọng. Ở Ninh Thuận, 19/21 hồ chứa nước trơ đáy; Tại Đà Nẵng, do nước sông Vu Gia - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố bị nhiễm mặn, lãnh đạo thành phố phải yêu cầu các chủ hồ A Vương, sông Bung 4 xả nước từ các hồ chứa thủy điện để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân. 5/13 tỉnh ở Tây Nam bộ là Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Long An công bố tình trạng khẩn cấp về hạn, mặn để tìm giải pháp ứng phó. Khoảng 95.600 hộ dân của những tỉnh này thiếu nước ngọt để dùng.
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, những tháng tới, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh Tây Nguyên, ven biển Trung bộ; tình trạng thiếu nước ngọt hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn trầm trọng hơn.
Sự tác động của biến đổi khí hậu, việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước còn nhiều bất cập; quá trình sản xuất đã khiến một lượng lớn nước thải, rác thải công nghiệp, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học tràn ra hệ thống sông ngòi, kênh rạch, ao hồ, gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Năm 2019, liên tục xảy ra các sự cố mất an toàn nước ở các đô thị lớn, trong đó sự cố nước sông Đà bị nhiễm bẩn lộ rõ lỗ hổng lớn trong việc quản lý, khai thác, vận chuyển, cung cấp nước sạch cho người dân.
Những năm trước, tình trạng thiếu nước cục bộ vào mùa khô vẫn diễn ra ở một số địa phương BR-VT. Một số hộ dân sống trong điều kiện thiếu nước sạch, phải sử dụng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, không bảo đảm vệ sinh. Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên nước, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chức năng của BR-VT đã có những giải pháp mang tính tổng thể bảo vệ an ninh nguồn nước: Ban hành danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, xây dựng bản đồ khoanh vùng bảo vệ 8 hồ cấp nước sinh hoạt; Đầu tư xây dựng, lắp đặt trạm quan trắc tự động không khí, nước mặt từ các hồ cấp nước sinh hoạt nhằm theo dõi, giám sát, cảnh báo chất lượng nước hồ cấp sinh hoạt liên tục 24/24 giờ để có các biện pháp ứng phó kịp thời; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi xâm hại đến hành lang an toàn nguồn nước; triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng đường ống cấp nước đến vùng sâu vùng xa giải “khát” nước sạch cho người dân.
Những giải pháp trên đây đã mang lại hiệu quả, không chỉ bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của BR-VT trong giai đoạn hiện nay mà cho cả những năm sắp tới.
Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia có trữ lượng nước tự nhiên nhiều nhất thế giới. Nghịch lý là Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia thiếu nước sạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, an ninh nguồn nước. Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho trước mắt và tương lai, các tỉnh, thành bị khô hạn, mặn đã khẩn cấp xây dựng những kịch bản mới: Nâng công suất nhà máy cấp nước, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước xuống tận khu dân cư; Đầu tư các nhà máy xử lý nước lợ, nước mặn thành nước ngọt. Một số tỉnh đặt vấn đề tái sử dụng nước, kêu gọi người dân làm hồ chứa, trữ nước ngọt cho mùa khô. Tất cả những giải pháp đều cần thiết, nhưng nếu các địa phương chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, kêu gọi người dân, DN sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước thì hiệu quả sẽ cao hơn. Một khi nhận thức của người dân được nâng cao, họ sẽ sử dụng nguồn nước có trách nhiệm. Không ít người hiện đang dùng nước sạch một cách lãng phí; Vào mùa nắng hạn, vẫn có người hào phóng xịt nước máy lênh láng ra đường, tưới cây, rửa xe hết sáng đến chiều. Một số người vẫn thờ ơ nhìn những dòng nước, giọt nước sạch chảy từ những vòi nước hư hỏng hoặc quên khóa.
Cần phải truyền thông cho mỗi cá nhân cũng như cộng đồng hiểu rằng, nước là nguồn tài nguyên vô giá nhưng lại không vô tận, chính vì thế tiết kiệm nước luôn là chuyện cấp thiết ngay cả ở những nơi có nguồn nước dồi dào. Hiểu rõ một nửa dân số thế giới đang “khát” nguồn nước sạch, người dân sẽ có thói quen văn minh, đó là biết chắt chiu từng giọt nước sạch, hiểu được tiết kiệm nước là… tiết kiệm tiền.
Không nhìn nhận, đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề, từ đó không có biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho nguồn nước sinh hoạt thì một sự cố nhỏ về nguồn nước rất có thể biến thành một cuộc khủng hoảng cho một địa phương, hoặc một vùng mà sự cố “nước bẩn Sông Đà” là một minh chứng.
NGUYỄN HƯNG NHƠN