Đẩy mạnh phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em
Thời gian gần đây, những vụ xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2019, xảy ra 46 vụ XHTDTE, tăng 14 vụ so với năm 2018. Riêng từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 12 vụ XHTDTE. Những số liệu này là thực trạng đáng lo ngại về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em (CSBVTE); phòng, chống trẻ em tránh bị XHTD.
Qua phân tích các vụ XHTDTE cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ em thiếu hiểu biết về biến đổi tâm sinh lý của trẻ; thiếu sự quan tâm và chia sẻ về vấn đề giới tính với con cái; việc quản lý, giáo dục con cái của nhiều gia đình còn lỏng lẻo, nên tình trạng yêu đương, quan hệ tình dục sớm khi còn ở độ tuổi vị thành niên hiện khá phổ biến. Mặt khác, công nghệ thông tin phát triển khá nhanh, có nhiều trang mạng xã hội đăng, truyền tải các thông tin có nội dung không lành mạnh, khơi gợi sự tò mò về giới tính, nên có tác động không tốt tới nhận thức về tình dục của trẻ em lứa tuổi dậy thì. Từ đó, trẻ em dễ bị dụ dỗ và bị XHTD.
Việc phòng, chống XHTDTE là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng, vì đây là môi trường sống đầu tiên, nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Vì vậy, các bậc phụ huynh trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc CSBVTE. Người lớn trong gia đình cần tự trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, em mình những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng, thiết thực trong việc phòng, chống XHTDTE.
Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường, cơ sở giáo dục, dạy nghề cho trẻ em cũng rất cần được chú trọng. Cùng với hoạt động giảng dạy, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, truyền thống đạo đức, nét đẹp văn hóa, chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa con em với phụ huynh trong gia đình, giữa HS với nhà trường và xã hội. Chủ động phối hợp với gia đình trong việc quản lý, giáo dục, định hướng cho HS lựa chọn lối sống lành mạnh, tuân thủ pháp luật, tránh xa các tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, xem thường sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác; giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản, tình cảm yêu đương nam - nữ phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi HS… để hạn chế các điều kiện tiềm ẩn, nảy sinh hành vi lệch lạc, vi phạm pháp luật có thể dẫn đến hậu quả đau lòng.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác CSBVTE, phòng, chống XHTDTE trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành trong thời gian qua về công tác phòng, chống tội phạm, CSBVTE.
Theo đó, các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo trợ xã hội đối với trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực, tội phạm XHTD; phối hợp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về pháp luật, tập trung vào vùng nông thôn, vùng sâu, khu nhà trọ, tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao (trẻ em bỏ học, trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội, người tạm trú…); tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, XHTDTE; phổ biến hoạt động “Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111” để người dân kịp thời tố giác những hành vi XHTE. Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật, tố tụng tăng cường công tác đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các đối tượng có hành vi XHTDTE.
GIA BẢO