.

Xúc tiến thương mại xuất khẩu nông sản

Cập nhật: 23:04, 13/03/2020 (GMT+7)

Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, có nhiều đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đạt được, xuất khẩu nông sản của nước ta đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh trong xuất khẩu của nước ta, như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, cam… đang gặp nhiều khó khăn, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc. Tình trạng ùn ứ nông sản do không tiêu thụ được diễn ra từ nhà vườn, trang trại cho tới các cửa khẩu đã khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp. Trước tình hình đó, nhiều tổ chức, cá nhân tại các địa phương đã thực hiện chiến dịch “giải cứu” nông sản, như là một động thái chia sẻ với người nông dân trong giai đoạn khó khăn này.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc ùn ứ nông sản, tiêu thụ không kịp là do công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế. Người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời, thiếu sự hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng trong quá trình sản xuất. Dẫn đến tình trạng tại nhiều địa phương, nông dân vẫn sản xuất hàng hóa theo kiểu “tù mù”, theo kiểu phong trào mà không có định hướng, chiến lược cụ thể. Thay vì tìm hiểu thông tin thị trường, địa chỉ tiêu thụ sản phẩm rồi mới đầu tư sản xuất, thì xu hướng chung vẫn là, khi thấy một loại nông sản nào đó được giá, nhiều nông dân đã đổ xô vào trồng, dẫn đến dư thừa và thường xuyên bị các tiểu thương ép giá, buộc phải bán tống bán tháo, thậm chí đổ bỏ. Bên cạnh đó, do công nghệ sản xuất của người nông dân Việt Nam hiện vẫn còn lạc hậu, manh mún nên dẫn đến tình trạng chất lượng nhiều loại nông sản không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao không chỉ thị trường quốc tế mà ngay cả thị trường trong nước. Mặt khác, do công nghệ lạc hậu nên chi phí sản xuất trong nông nghiệp của nước ta còn rất cao. Vì vậy, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam thường yếu thế so với nông sản các nước khác.

Xúc tiến thương mại, tìm các giải pháp hữu hiệu cho đầu ra các loại nông sản một cách bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và nhất là tạo ra các dòng sản phẩm nông sản xuất khẩu chất lượng cao là những yêu cầu cấp thiết hiện nay. Điều đó đòi hỏi các ngành, các địa phương phải phối hợp, khắc phục những nguyên nhân đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là nông sản chủ lực. Đối với các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU thì cần có sự trao đổi giữa các nhà đầu tư với nhau, tìm kiếm cơ hội hợp tác để hình thành chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về thị trường nông sản trên thế giới để phục vụ cho các DN nước ta sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản phù hợp, tránh thiệt hại và giảm thiểu những rủi ro không đáng có cho DN và người nông dân. Đối với những mặt hàng ở thị trường có chính sách bảo hộ hay rào cản kỹ thuật cao thì cần hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao, các kỹ thuật tiên tiến từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản chất lượng nông sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường. Nhà nước thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất thích hợp và có sự điều phối theo nhu cầu xuất khẩu của thị trường. Các DN lựa chọn chiến lược sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế của từng thị trường và khả năng của DN. Bên cạnh đó cần đưa ra các giải pháp đồng bộ, triển khai hiệu quả định hướng chiến lược xuất khẩu nông sản, tối đa hóa giá trị gia tăng hàng nông sản xuất khẩu bằng công nghệ sơ chế, chế biến tiên tiến và hiện đại. Đồng thời, thực hiện xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó cần chú trọng đến các nông sản xuất khẩu chủ lực. Giải pháp tối ưu là các cơ sở sản xuất, các DN xuất khẩu cần cung cấp các sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ rõ ràng để nâng tầm thương hiệu và xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.

 HOÀNG LÊ

.
.
.