Bảo vệ an toàn nguồn nước sinh hoạt
Hiện nay, nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt chính và chủ yếu cho người dân trên địa bàn tỉnh được lấy từ 8 hồ chứa nước: Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa, Kim Long, Núi Nhan, Đá Bàng, Suối Các, Châu Pha. Ngoài 8 hồ này, còn có hồ Suối Nhum, hồ Xuyên Mộc cũng đang cấp nước tạm cho sinh hoạt.
Theo dự báo, nhu cầu nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp và du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 khoảng 240 triệu m3. Theo đó, tỉnh BR-VT có nguồn nước mặt đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay cũng như trong những năm sắp tới. Chất lượng cấp nước sinh hoạt tại các nhà máy cấp nước bảo đảm quy chuẩn chất lượng nước cấp sinh hoạt.
Trong thời gian qua, các giải pháp bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước trên địa bàn tỉnh đã được tập trung thực hiện. Nhờ vậy các nguồn nước cấp sinh hoạt của tỉnh cơ bản được bảo đảm an toàn. Tuy nhiên nguy cơ về lâu dài gây ảnh hưởng đến các hồ cấp nước sinh hoạt vẫn còn tồn tại. Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng tỉnh, có nhiều nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn nguồn nước sinh hoạt chưa kiểm soát được như: Hoạt động trồng trọt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học quá liều lượng, thải bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định; Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất trong lưu vực các dòng chảy dẫn về hồ chứa, dẫn đến địa hình tự nhiên bị thay đổi; Các nguy cơ ảnh hưởng do tác động của các yếu tố tự nhiên (lũ lụt, hạn hán)...
Trước những nguy cơ này, vấn đề bảo vệ an toàn cho nguồn nước sinh hoạt là nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Mới đây, tại Thông báo số 2287-TB/TU ngày 4/3/2020 của Tỉnh ủy về các giải pháp tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước, Thường trực Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển, giữ gìn, tăng trữ lượng nước, phát triển các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, cần xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự phát triển của tỉnh để có giải pháp, kế hoạch khai thác tiết kiệm, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế. Thực hiện các giải pháp bảo vệ rừng đầu nguồn, làm tăng khả năng giữ nước, bảo vệ an ninh nguồn nước. Dành toàn bộ nguồn thu từ cung cấp nước thô để sử dụng vào việc tái đầu tư cho nhiệm vụ phát triển và bảo vệ nguồn nước. Bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn lực thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và xây dựng công trình bảo vệ hành lang an toàn cho các hồ (ưu tiên các hồ cấp nước sinh hoạt) để trình HĐND tỉnh thông qua trong năm 2020.
Ngoài ra, Thường trực Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn khu vực thượng nguồn hồ Sông Ray, hồ Đá Đen. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước sạch của tỉnh đến năm 2025 định hướng đến năm 2035.
Bảo vệ an toàn cho nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là trách nhiệm không của riêng ai. Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương thì mỗi cá nhân cũng cần nêu cao tinh thần tự giác, chung tay, góp sức để bảo vệ nguồn nước thông qua sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước trong sinh hoạt hàng ngày và trong hoạt động sản xuất. Mọi hành động dù là nhỏ, nếu gộp lại của toàn cộng đồng, toàn xã hội sẽ tạo nên những hiệu quả lớn trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.