Vững tin bước vào năm học mới
Hôm nay (ngày 5/9), cùng hàng triệu học sinh (HS) trong cả nước, hơn 274 ngàn HS trong toàn tỉnh tưng bừng đón chào năm học mới 2019-2020.
Năm học này, ngành GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện nhiều nội dung mới như: Triển khai học bạ điện tử (từ lớp 1 đến lớp 12); chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; triển khai Luật Giáo dục mới (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020); tăng cường thêm 2 tiết Tiếng Anh/tuần đối với HS từ lớp 3 đến 12 và tổ chức dạy 1 tiết đọc sách/tuần cho HS các cấp. Trước thềm năm học mới, một số ý kiến lo ngại việc tăng cường thêm 2 tiết Tiếng Anh/tuần và tổ chức dạy 1 tiết đọc sách/tuần gặp khó khăn do thiếu giáo viên, kinh phí. Nhưng nhiều trường học đã khắc phục những khó khăn này bằng việc bố trí tăng tiết, tuyển thêm giáo viên hợp đồng, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho HS. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học tại nhiều nơi cũng đã được đầu tư xây dựng, mua sắm mới hoặc nâng cấp, sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy và trò trước thềm năm học mới.
Cùng với việc dạy văn hóa, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung trong năm học này là “dạy người”, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho HS. Thực tế, thời gian qua, một bộ phận HS có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, gây ra một số vụ việc khiến xã hội lo ngại, bức xúc. Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng phải kể đến là môi trường học đường bị ảnh hưởng bởi tệ nạn xã hội, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý chưa sát sao trong việc nắm bắt và tư vấn tâm lý kịp thời cho HS. Các thầy cô còn coi nặng việc “dạy chữ” mà chưa quan tâm đúng mức đến việc “dạy người”. Nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học môn Đạo đức còn nặng lý thuyết, thiếu tính nêu gương.
Vấn đề “dạy người” cũng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt coi trọng. Công văn Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD-ĐT trước thềm năm học mới 2019-2020, đã nêu rõ việc tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho HS, giảm áp lực thành tích, chú trọng “dạy người”. Phó Thủ tướng đề nghị ngành GD-ĐT tổ chức lễ khai giảng năm học thực sự vì HS; rà soát các quy định, hướng dẫn, bao gồm cả các loại chuẩn, hình thức thi đua nhằm giảm áp lực có tính hành chính cho nhà trường, giáo viên, HS và khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Phó Thủ tướng nhấn mạnh một nội dung mang tính cốt lõi trong các giải pháp tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là việc đổi mới dạy học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, đổi mới các hình thức sinh hoạt Đoàn, Đội, làm tốt hơn hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống cho HS. Bên cạnh đó là việc đề cao trách nhiệm của các thầy, cô giáo tham gia giáo dục đạo đức lối sống cho HS, nêu gương người tốt, việc tốt.
Trong năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động dạy và học, từ bậc mầm non đến THPT. Điển hình như: Công tác vận động trẻ ra lớp đạt và vượt chỉ tiêu, trẻ mẫu giáo đạt 95,8% (Nghị quyết HĐND tỉnh là 93,5%), trẻ 5 tuổi đạt 98,11% (Nghị quyết HĐND tỉnh 98%); 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Đội tuyển HS giỏi lớp 12 của tỉnh đạt 39 giải các bộ môn văn hóa trong kỳ thi HS giỏi quốc gia, chưa kể một số đội tuyển khác cũng đạt những giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, Robotacon cấp quốc gia và quốc tế.
Những thành quả đã đạt được trong năm học vừa qua, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh là động lực để thầy và trò ngành giáo dục Bà Rịa-Vũng Tàu từng bước khắc phục khó khăn, tự tin bước vào năm học mới. Nhưng, để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong năm học 2019-2020, mỗi HS, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cả phụ huynh cần phải cố gắng thực hiện các giải pháp trọng tâm ngành giáo dục đã đề ra ngay từ đầu năm học này.
NGUYỄN ĐỨC