.

Giúp người đúng cách

Cập nhật: 18:45, 25/08/2019 (GMT+7)

Giữa ngồn ngộn những thông tin thời sự tuần qua, có một mẫu tin “lạ” thu hút sự chú ý của nhiều người: Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh kêu gọi người dân không trực tiếp cho tiền người ăn xin trên đường phố. Việc giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nên thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện. Khi phát hiện những trường hợp ăn xin, sinh sống nơi công cộng, người dân có thể phản ánh tới đường dây nóng của Phòng Bảo trợ xã hội. 

Cho tiền người ăn xin là việc làm nhân văn, là nghĩa cử và văn hóa cần có của mỗi người, vì sao cơ quan chức năng kêu gọi “đừng”? Công văn của Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh giải thích: Để tránh lòng tốt bị lợi dụng. Đúng! Đặt tình thương không đúng chỗ, chẳng những không giải quyết được vấn nạn, mà vô hình chung còn làm tồn tại và phát triển nghề ăn xin trong xã hội. 

Từ nhiều năm trước, nhiều địa phương trong cả nước đã từng kêu gọi người dân và du khách không nên cho tiền người xin ăn, thay vào đó có thể giúp đỡ họ bằng cách thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện khi trong xã hội. Đó là lúc trong xã hội rộ lên nạn giả ăn xin và “chăn dắt” người già, người tàn tật, trẻ nhỏ đi ăn xin, bán vé số. Nơi diễn ra nạn “chăn dắt” ăn xin, bán vé số là các điểm du lịch, các chốt đèn giao thông, bến xe, ga tàu, chợ truyền thống…

Khai thác thân phận bất hạnh của những người tàn tật, người già yếu, trẻ em vào việc ăn xin, bán vé số, vắt đến sức cùng lực kiệt và nhẫn tâm vét sạch từng đồng tiền do họ kiếm được là tội ác. Hành vi này phải được chặn đứng và xử lý nghiêm khắc. Và để góp phần ngăn chặn tình trạng này tái diễn, cộng đồng nên thay đổi suy nghĩ về việc làm từ thiện, giúp như thế nào để người được giúp có động lực để vươn lên chứ không phải vô tình triệt khả năng tự lực hoặc ỷ lại, dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người khác. 

Một bước ngoặc quan trọng trong nền văn minh nhân loại là biến tinh thần tương thân tương ái của con người thành một công cụ giáo dục và phát triển. Đó là khi người ta khám phá tác hại của công tác từ thiện và xây dựng một bộ môn khoa học gọi là công tác xã hội. 

Việc kiếm tiền quá dễ dàng đã khiến không ít người lười lao động lấy xin ăn thành một “nghề”. Vì thương người, chúng ta đã hào hiệp bố thí cho họ mà không tìm hiểu kỹ về đối tượng mình muốn giúp đỡ, vô hình chung tạo nên một lớp người ăn bám, từ đó phát sinh nhiều người lợi dụng lòng nhân ái để trục lợi; Hơn thế nữa, ta còn góp phần tạo ra những kẻ giả danh tu sĩ, người lang thang tàn tật, thậm chí còn vô tình tiếp tay vào nạn lạm dụng người già, người khuyết tật, trẻ em làm công cụ ăn xin. 

Lòng nhân ái luôn được khuyến khích, nhưng phải đặt đúng chỗ, đúng người, đúng lúc. Việc đặt tình thương không đúng chỗ sẽ biến những nạn nhân thành công cụ kiếm tiền của kẻ xấu và làm mất cơ hội được chăm sóc. Vậy nên, thay vì ban phát máy móc, những người làm từ thiện có thể làm khác đi, có sự tham gia của chính người nhận lại càng tốt. Chẳng hạn trước khi giúp đỡ, có thể hỏi người nhận mong muốn gì rồi tùy năng lực, hoàn cảnh mà hỗ trợ phù hợp, cho đến khi họ có sự thay đổi, từng bước vươn lên tự lực trong cuộc sống. Việc trao “cần câu” có ý nghĩa gấp nhiều lần so với cho “con cá”. “Cần câu” có thể là trực tiếp giúp học nghề, sinh kế để họ có thu nhập chính đáng, cũng có thể đóng góp tiền và vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội để nơi đây chăm sóc họ tốt hơn, tránh tình trạng “no dồn đói góp”.    

Sẽ là nửa vời nếu chỉ dừng lại ở những khuyến cáo, những lời kêu gọi “hãy”, “đừng”. Công tác từ thiện sẽ hiệu quả hơn khi nạn ăn xin được giải quyết một cách căn cơ: Những người ăn xin thật sự khó khăn, không nơi nương tựa được sàng lọc, thẩm định và đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Những kẻ “chăn dắt”, thuê mướn người đi ăn xin, bóc lột sức lao động người khác phải bị xử lý thích đáng.  

Làm từ thiện bằng tấm lòng là chưa đủ mà còn phải biết cách, tạo điều kiện giúp người nghèo, cơ cực vươn lên sống có ích. Điều này chỉ có thể có được khi cả cộng đồng nhận thức được vấn nạn ăn xin, chăn dắt không thể tồn tại trong một xã hội tiến bộ, văn minh, từ đó nói “không” với việc tiền người ăn xin, hơn thế nữa tổ chức cho họ ra sức lao động, sống chan hòa với cộng đồng, hướng tới một xã hội không còn những mảnh đời nghèo khó, long đong.  

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

.
.
.