Để "hai chân không dẫm vào nhau"
Cuối tuần rồi, phát biểu với lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo 14 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Dương tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các địa phương cần tránh mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Nói nôm na là làm sao để “hai chân không dẫm vào nhau”, có được bước đi nhanh và không vấp ngã.
Nhắc nhở của người đứng đầu Chính phủ không chỉ có ý nghĩa khuyến cáo với các tỉnh miền Trung mà với cả các địa phương trong cả nước về mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế, về kịch bản tăng trưởng mà trọng tâm là bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt.
Với góc nhìn đa chiều, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đã từng “mổ xẻ”, giải bài toán giữa yêu cầu phát triển du lịch và công nghiệp ở nhiều vùng, địa phương trong cả nước. Giới chuyên môn đặc biệt cảnh báo quá trình phát triển các ngành công nghiệp và thủy sản đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn với ngành du lịch mà cho đến nay, mâu thuẫn ấy vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Nhiều bãi biển, khu du lịch, di sản thiên nhiên bị xâm hại bởi rác thải, nước thải và khí thải từ các khu công nghiệp, nhà máy. Rác thải ngày càng tăng sẽ làm cho các bãi biển và vùng duyên hải ngày càng ít khách du lịch đến tham quan. Ô nhiễm môi trường sẽ làm giảm đi sức hút của ngành du lịch - giới chuyên môn khẳng định.
Choáng ngợp trước viễn cảnh tươi sáng do các siêu dự án công nghiệp mang lại, không ít địa phương đã “bấm bụng” hy sinh du lịch và môi trường, thậm chí còn cho phép nhấn chìm vật chất nạo vét xuống biển. Các địa phương này “quên” rằng du lịch cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nếu được đầu tư đúng mức sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Công nghiệp phát triển mang lại động lực tăng trưởng kinh tế cho cho địa phương, cho đất nước nhưng rủi ro về môi trường mà nó mang lại cũng không hề nhỏ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế!” là vì vậy.
Ở một góc độ khác, việc phát triển kinh tế theo kiểu mạnh ai nấy làm còn cho thấy các chính sách phát triển công nghiệp cũng như du lịch chưa tạo ra sự liên kết vùng, thậm chí còn dẫn đến xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích vùng.
Mâu thuẫn luôn diễn ra trong cuộc sống, đòi hỏi chúng ta phải tìm giải pháp phù hợp để hóa giải. Nếu sự phát triển còn đi đôi với tồn tại hoặc biểu hiện của tính mâu thuẫn, cũng đồng nghĩa với việc kìm hãm sự phát triển. Đặt vấn đề như thế để đi đến nhận thức rằng trong phát triển kinh tế phải chú trọng tới cả yếu tố xã hội và môi trường. Bài toán đặt ra là nên phát triển đồng thời hai nguồn tài nguyên hay chỉ lựa chọn một trong hai là công nghiệp hoặc du lịch. Để có câu trả lời đúng, điều quan trọng là phải thẩm định, đánh giá đúng các mặt lợi và hại của việc khai thác từng dạng tài nguyên từ đó thu hẹp, triệt tiêu các khoảng cách của sự mâu thuẫn.
Bà Rịa-Vũng Tàu là một trục quan trọng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Những năm qua, khắc phục những khó khăn, hạn chế, tỉnh đã phát huy tiềm năng và lợi thế, phát triển mạnh mẽ và hài hoà các ngành kinh tế của tỉnh, đặc biệt là phát triển cảng, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh đặt trong mối tương quan giữa các tỉnh thành thuộc vùng. Quan điểm này đã thúc đẩy phát triển hành lang du lịch dọc tuyến đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu thành tuyến du lịch trọng điểm, đa dạng, hấp dẫn và chất lượng cao của tỉnh, mặt khác phát triển hành lang kinh tế công nghiệp - cảng biển dọc Quốc lộ 51; xây dựng và phát triển đô thị mới Phú Mỹ thành trung tâm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng. Theo cách nói có tính ẩn dụ thú vị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì BR-VT đã đi đúng hướng, “hai chân không dẫm vào nhau”!
Sử dụng khôn khéo tài nguyên và bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà là của cả cộng đồng. Khi xây dựng, đề xuất chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cơ quan chức năng phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và văn hóa xã hội, giải quyết hài hòa những lợi ích đó.
Phát triển không có nghĩa là hy sinh nguồn lực này để xây dựng nguồn lực kia. Cho dù nguồn lực được ưu tiên đầu tư mang lại nhiều tăng trưởng thì sự phát triển ấy cũng không mấy ý nghĩa.
Dự trữ cho tương lai không phải chỉ có ngoại tệ và vàng, chất lượng sống cũng không chỉ tính bằng số lượng thịt, cá hay vải vóc mà quan trọng còn là tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống.
HẢI LĂNG