.

Thời cơ cách mạng

Cập nhật: 10:55, 31/08/2019 (GMT+7)

Cả đất nước đã vào Thu - mùa Thu của lịch sử, của tự hào, của độc lập. Cách đây 74 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên, làm cuộc cách mạng long trời lở đất. Ngày 2/9, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là giây phút lịch sử sang trang, dân tộc ta đã tự tháo bỏ xiềng xích, giành lấy độc lập, mở một kỷ nguyên mới - độc lập tự do.

Cách mạng Tháng Tám và thành quả đỉnh cao là Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á mang đến những giá trị vượt tầm thời đại; chứng tỏ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tầm nhìn và những dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhắc đến Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những bài học lịch sử lớn nhất là nghệ thuật chớp thời cơ cách mạng, được vạch ra bởi tầm nhìn lỗi lạc của Hồ Chí Minh. Tháng 10/1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Người viết: "Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt, các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh". Tầm nhìn đó, đã được cụ thể hóa một bước nữa trong chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", Bác nhận định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Để chớp thời cơ cách mạng có một không hai, Đảng ta đã trải qua 15 năm chuẩn bị chu đáo về lực lượng: từ chủ trương, đường lối; lực lượng chính trị; lực lượng vũ trang; căn cứ địa cách mạng... và khi “thời cơ đến”, mọi sự đã chín muồi thì tiến hành với tinh thần “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Bài học dự đoán thời cơ, chuẩn bị về lực lượng, và chớp thời trong cách mạng Tháng Tám cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Chớp thời cơ, đòi hỏi tính kiên quyết, chính khác, khoa học. Đó là thời điểm khó khăn, nhưng không thể dao động, nao núng.

Dân tộc ta, trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, những chiến thắng lẫy lừng trước quân xâm lăng, từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa đến Điện Biên Phủ hay chiến dịch Hồ Chí Minh, một trong những điều căn bản nhất làm nên chiến thắng chính là khả năng dự đoán, tạo thời cơ và vận dụng giành lấy thời cơ.

Nhưng suy cho cùng, thời cơ cũng chỉ là yếu tố tồn tại dưới dạng tiềm năng, thành hay bại vẫn xuất phát từ nhân tố chủ quan, đặc biệt là ở tầm nhìn của lãnh đạo và khả năng tổ chức hành động thực tiễn. Sau những thành tựu nổi bật trên mọi mặt kể từ sau Đổi mới (1986), ngày nay, trong nhiều nhiệm vụ cách mạng mà cả nước đang thực hiện, có 2 nhiệm vụ lớn, đòi hỏi không thể bỏ lỡ thời cơ: Một là tận dụng những yếu tố thuận lợi để tấn công đến cùng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Hai là, tận dụng những lợi thế tối đa của thời đại 4.0 để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ở cả 2 nhiệm vụ lớn đó, đều đã nhìn thấy rõ những thuận lợi được tạo ra bằng các chủ trương, đường lối đúng đắn. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, toàn Đảng, toàn dân đang sục sôi tinh thần tiến công với những thành quả bước đầu. Cần những hành động quyết liệt, không nao núng để tiếp tục làm nóng “lò” đang hừng hực lửa. Trong phát triển kinh tế, Chính phủ và các địa phương đã đề ra nhiều chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, tận dụng lợi thế hội nhập để theo kịp “đoàn tàu” đang lao đi vùn vụt. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó và Việt Nam phải nắm bắt cơ hội, sớm lên đoàn tàu 4.0"…

Thời cơ luôn hạn hữu về thời gian. Dù trong chiến tranh hay hòa bình, thời cơ đều nhanh chóng qua đi. Mọi nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ chính trị của đất nước hay của mỗi địa phương, trước đây hay bây giờ, đều cần đến sự chủ động trong việc tận dụng mọi yếu tố khách quan, chủ quan để chớp thời cơ.

HOÀNG NAM

 

.
.
.