.

Gánh nặng từ những khoản thu đầu năm học

Cập nhật: 18:53, 26/08/2019 (GMT+7)

Đi họp phụ huynh đầu năm về, một người bạn liền đăng tải dòng trạng thái trên facebook: “Đầu năm học, sợ nhất là giấy báo họp phụ huynh. Đi về là... viêm màng túi. Họp phụ huynh cho 2 cháu xong, nhà em đóng góp hơn 1 chỉ vàng”, bạn ví von một cách hóm hỉnh. Dòng trạng thái của bạn được nhiều người đồng cảm và chia sẻ đây là “nỗi lo chung” của các bậc phụ huynh mỗi đầu năm học mới.  

Sau 2 tuần học sinh (HS) tựu trường, nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm. Nội dung cuộc họp ngoài việc giáo viên chủ nhiệm thông báo tình hình tổ chức lớp học, còn có việc thông báo các khoản thu đầu năm học mới. Bên cạnh những khoản thu bắt buộc như: tiền cơ sở vật chất, bảo hiểm y tế, phí vệ sinh… còn có các khoản thu tự nguyện như quỹ lớp, quỹ trường, trang trí lớp học, lắp đặt máy lạnh cho lớp bán trú… Nói là tự nguyện nhưng khoản thu này thường có mức “sàn” và hầu như rất ít phụ huynh có ý kiến đề nghị giảm bớt hoặc không đóng góp. Khoản thu này cũng “nặng” chẳng kém gì các khoản thu bắt buộc. Đó là chưa kể các khoản mua sắm đầu năm cho HS như: Sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập, đồng phục, cặp sách… Chi phí cho các khoản mua sắm này từ một đến vài triệu đồng/HS. 

Với những gia đình khá giả, các khoản thu và mua sắm đầu năm học có thể không ảnh hưởng gì nhiều đến kinh tế, nhưng với những gia đình người lao động, công chức còn khó khăn, đây là khoản chi không nhỏ, đòi hỏi phải đắn đo, cân nhắc. Hỏi thăm, người bạn trên cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học mới là vợ chồng chị phải dành ra một tháng lương của một người để chuẩn bị mua sắm và đóng góp các khoản cho 2 con vào năm học mới. “Điều kiện kinh tế còn khó khăn, phải đi thuê nhà nhưng mình cũng ráng đóng góp như mọi người, không để con phải ngại với chúng bạn. Dĩ nhiên, việc chi tiêu trong gia đình cũng bị ảnh hưởng. Mình phải chắt bóp vài tháng mới bù đắp lại được”, chị bạn chia sẻ. Đó là những phụ huynh có lương, còn với phụ huynh là người lao động phổ thông, thu nhập không ổn định thì các khoản thu và mua sắm đầu năm học thực sự là một gánh nặng, khiến nhiều người “méo mặt” khi nghe thông báo đóng tiền.

Trước năm học mới 2019-2020, UBND tỉnh đã ban hành hướng dẫn về việc thu và sử dụng các khoản thu khác của các cơ sở GD-ĐT công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ sở giáo dục công lập phải thảo luận, thống nhất chủ trương, kế hoạch và phương án thu với phụ huynh HS ngay từ đầu năm học. UBND tỉnh lưu ý nhà trường thực hiện giãn thời gian thu, không thu các khoản cùng một thời điểm. Theo ghi nhận, đến thời điểm này, việc thu tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh cơ bản đúng hướng dẫn và đúng quy định, chưa có trường hợp nào bị phát hiện hay bị than phiền về việc lạm thu. Dù vậy, tình trạng lạm thu vẫn tiềm ẩn dưới vỏ bọc “tự nguyện”, thông qua Hội cha mẹ HS. Trên thực tế, tại một số trường học ở một số địa phương trong cả nước đã từng xảy ra tình trạng lạm thu ở những năm học trước, gây nên sự bất bình trong phụ huynh và dư luận xã hội. 

Để tránh tình trạng lạm thu, gây khó khăn cho HS và phụ huynh, Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu-chi của các trường học. Với các nhà trường, việc thu-chi cần tiếp tục được công khai, minh bạch theo tinh thần hướng dẫn của UBND tỉnh. Có như vậy, các khoản thu mới được sử dụng đúng mục đích, góp phần tạo dựng môi trường học tập ngày càng tốt hơn cho HS.

NGUYỄN ĐỨC

 
.
.
.