"Made in" Việt Nam
Có lẽ chưa bao giờ, người tiêu dùng lại “hoang mang” giữa “ma trận” về “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” (made in Việt Nam) như hiện nay. Đặc biệt khi mà cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang ngày một lan tỏa, người tiêu dùng đã sử dụng hàng Việt nhiều hơn thì tình trạng gian lận về xuất xứ hàng hóa ngày càng diễn ra khá phổ biến. Không ít vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện về tình trạng hàng nhập khẩu giá rẻ được dán nhãn “made in Việt Nam”. Trong khi đó, thời gian qua, việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm. Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “made in Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có cơ sở, căn cứ để xử lý. Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, mới đây Bộ Công thương đã đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Đây được xem là lần đầu tiên có quy định chi tiết về vấn đề ghi nhãn xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa. Theo dự thảo, hai trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam là: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.
Như vậy, với trường hợp thứ nhất, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam khi thuộc các trường hợp sau: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam; Động vật sống/ Sản phẩm từ động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam; Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam; Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Việt Nam… Điều này đã quá rõ ràng rồi, tuy nhiên vấn đề phức tạp khiến Bộ Công thương phải xây dựng riêng một thông tư cho hàng “made in Việt Nam” là ở trường hợp thứ hai. Đó là hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa. Đó là, một hàng hóa được xác định là có xuất xứ Việt Nam khi có trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó. Bên cạnh đó, một quy định khác cũng được Bộ Công thương đưa ra để DN chọn lựa, đó là trị giá xuất xưởng trừ đi trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam. Nếu tỷ lệ là khoảng 30% thì hàng hóa đó cũng được coi là “made in Việt Nam”.
Mặc dù đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp, những nội dung quy định tại dự thảo Thông tư cũng đang gây nhiều bàn cãi, tuy nhiên việc hoàn thiện và ban hành Thông tư tới đây sẽ giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các DN chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất “made in Việt Nam” đang là một nhu cầu cấp bách, giúp cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sẽ tự tin khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và trên thị trường thế giới.
NGÔ GIA