.

"Thấy rác là nhặt"

Cập nhật: 19:49, 02/08/2019 (GMT+7)

Lom khom bên sườn núi, mái tóc ngắn lũn cũn được buộc thành hai bím vênh vểnh, bóng cô bé con chỉ chừng 9-10 tuổi in xiên trên mặt đường trong nắng chiều mùa hạ. Túi đựng rác bằng sợi cói có vẽ hình cá rất dễ thương đã gần đầy, choán hẳn cả một bên vai cô bé. Thỉnh thoảng, trên đường chạy bộ lên ngọn Hải Đăng, núi Nhỏ, TP.Vũng Tàu, tôi lại bắt gặp hình ảnh cô bé dễ thương ấy. Bé tên Hà My, học sinh một trường tiểu học ở TP.Vũng Tàu. 

Cô bé cho biết, ở trường, các thầy cô thường chỉ bảo cho các bé cứ thấy rác là nhặt, nhặt cả rác trong lớp học,  ngay chỗ mình ngồi, ở hành lang, trên thảm cỏ, dưới gốc cây trong sân trường hoặc bất cứ nơi đâu, ở nhà, trên đường, nơi công cộng… Thỉnh thoảng bé leo núi cùng mẹ, đi dạo biển và bé rất thích nhặt rác, cho vào túi cói xinh xinh bé vẫn mang theo. 

Hà My kể, các bạn của bé cũng tạo được thói quen ấy và có bạn còn “khoe” rằng, ở nhà đã nhắc luôn cả bố mẹ phải biết “thấy rác là nhặt”, không được xả bừa bãi, sẽ không văn minh và làm bẩn môi trường mình sống. 

Vâng, Hà My-một bé con mới chỉ tầm 10 tuổi đã tạo nên hình ảnh đẹp về bảo vệ môi trường bằng hành động khá dễ thương mà ai cũng có thể làm được: “Thấy rác là nhặt”. Trường học, thầy cô của bé cũng thật đáng hoan nghênh khi đã phát động được phong trào tốt, tạo dựng một thói quen tốt cho học sinh. Phong trào “Thấy rác là nhặt” rất nên được nhân rộng ở tất cả các trường học, các cấp học, kể cả ở bậc mầm non, để hình thành nếp sinh hoạt văn minh, thân thiện môi trường. 

Lâu nay trên mạng xã hội, các nhóm bạn trẻ đã tạo nên những trào lưu về bảo vệ môi trường, trong đó có trào lưu dọn rác ở nơi công cộng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Trong suốt cả năm qua, ở TP.Vũng Tàu cũng đã lan tỏa hình ảnh đẹp của nhóm bạn trẻ “Chạy Nhặt”. Chỉ trong vòng 30 phút đến 1 tiếng đầu giờ buổi sáng, sau khi tập thể dục, các bạn trẻ đã cùng chạy dọc theo bãi biển để nhặt rác. “Chạy Nhặt” được khởi xướng bởi Nguyễn Tấn Phát-một bạn trẻ ở TP.Vũng Tàu từ 1 năm trước, ban đầu chỉ là 3 bạn thân của Phát tham gia, đến nay, hoạt động đầy ý nghĩa này đã thu hút khá đông bạn trẻ khác cùng chạy và nhặt, có hôm lên đến con số 40. 

Và một lời mời gọi khác vừa được đăng tải trên mạng xã hội: “Leo Nhặt” cũng đang lan tỏa trong giới trẻ một cách nhanh chóng. “Leo Nhặt” là tên gọi của hoạt động vừa leo núi vừa nhặt rác của nhóm Trekking Vũng Tàu nhằm tuyên truyền bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và thu gom rác thải trên các triền núi. Cuối tuần này, thứ Bảy, ngày 3/8, “Leo Nhặt” sẽ có hành trình “vòng quanh núi Nhỏ, lên đỉnh tượng Chúa, ghé mũi Nghinh Phong” và địa điểm tập trung lúc 15h30 tại Đồi con heo (hẻm 220 Phan Chu Trinh, phường 2, TP.Vũng Tàu). Thậm chí, để tạo sự thu hút, hứng khởi, nhóm còn lên chương trình khá chi tiết về hoạt động này, có giấy khen về hành động bảo vệ môi trường để trao tặng sau khi kết thúc hoạt động cho các bạn trẻ dưới 15 tuổi tham gia. 

“Thấy rác là nhặt”, “Chạy Nhặt”, “Leo Nhặt”… tuy chưa hẳn đã phổ biến, bao trùm khắp, bởi ở đâu đó, chúng ta vẫn nhìn thấy hình ảnh những bãi rác ở ven đường, ở góc phố, nơi công cộng. Tuy nhiên, các phong trào đó đang mỗi ngày một lan tỏa, tạo thói quen tốt, lối sống văn minh, xanh, sạch đẹp trong cộng đồng cư dân BR-VT. Nhiều hoạt động mang tính tự phát, nhưng lan truyền nhanh và có ý nghĩa tích cực, điều đó cho thấy những chủ trương về quyết tâm chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp đã dần tác động làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng. 

Tại Ngày Hội tái chế chất thải năm 2019 vừa tổ chức, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: Việc bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, mà cần có sự chung tay của mọi tầng lớp xã hội. Mỗi chúng ta phải là người tiên phong trong việc thay đổi tư duy, thay đổi thái độ với các hành vi làm tổn hại đến môi trường để bảo vệ chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Để giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng nhằm hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh, thì các ngành chức năng và địa phương của tỉnh cũng cần có sự nhận diện đầy đủ các nguồn gây ô nhiễm môi trường để có các giải pháp đồng bộ, quyết tâm và hành động bảo vệ môi trường.

SƠN TRÀ

 

.
.
.