Sơ chế và bảo quản kém, nông sản giảm giá trị
Cuối tuần, cả nhà rủ nhau đi mua sắm, chuẩn bị đồ ăn cất trữ dùng cho một tuần làm việc mới đầy bận rộn. Thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây… được chất đầy trên xe kéo tại một siêu thị nhỏ gần nhà. Con gái tôi vốn thích ăn trứng chiên, nên giành việc cất các vỉ trứng vào tủ lạnh. Thế nhưng sau một hồi ngắm nghía, bé la lên, mẹ ơi trứng còn dính đầy phân gà. Nghe con nói vậy, tôi thoáng nghĩ, trứng mua ở siêu thị thì làm sao còn phân gà kia chứ. Tuy nhiên sau khi kiểm tra thì tôi khá hoảng. Đúng là trên những quả trứng màu trắng, xinh xắn vẫn còn dính những mụn rơm và phân gà. Tất nhiên là những quả trứng kia sẽ được rửa sạch sẽ, nhưng chắc chắn tôi sẽ suy nghĩ và cân nhắc nhiều hơn việc mua thực phẩm tại siêu thị này do chưa bảo đảm về sự an toàn vệ sinh thực phẩm.
Không chỉ có quả trứng chưa sơ chế mà vẫn được bày bán tại siêu thị, rất nhiều loại trái cây dù được gắn nhãn sản xuất theo chuẩn an toàn VietGAP như mãng cầu, chôm chôm, chuối… bày bán tại siêu thị vẫn còn dính đầy rệp bám xung quanh. Điều này đã khiến người tiêu dùng e ngại và cảm thấy lo ngại về sự an toàn của các sản phẩm này.
Sơ chế và bảo quản nông sản sau thu hoạch được xem là một công đoạn quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, hiện nay đây vẫn là khâu yếu nhất trong quy trình sản xuất nông sản tại BR-VT. Thống kê cho thấy, hiện tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt khoảng 10%; đối với cây có củ 10-20% và rau quả 10-30%. Đối với hải sản, tỷ lệ hao hụt, tổn thất sau thu hoạch cũng từ 30-35%. Từ năm 2012, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành một số mô hình sơ chế rau, củ, quả, đóng gói trái cây, sấy lúa tại các HTX nông nghiệp. Nông sản như rau, trái cây sau thu hoạch sơ chế được đóng gói, trữ ở hệ thống kho làm mát và cung ứng đến tận tay các bà nội trợ, các nhà trẻ, nhà hàng, các khu du lịch trên địa bàn huyện. Phương thức thu mua, sơ chế và bảo quản rau an toàn theo mô hình này không chỉ bảo đảm VSATTP mà còn giúp gia tăng giá trị hàng hóa của các loại rau xanh đang trồng tại địa phương. Tuy nhiên, do chưa gắn kết được chuỗi sản xuất với tiêu thụ nên một số mô hình sơ chế đã dừng hoạt động. Điều này dẫn đến tình trạng như đã kể trên, mặc dù được trưng biển là cửa hàng thực phẩm an toàn, siêu thị an toàn nhưng trứng, trái cây hay rau xanh được bày bán vẫn chưa được sơ chế!
Hiện ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh “tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Tuy nhiên, nếu tái cơ cấu mà bỏ qua vấn đề đầu tư nâng cao năng lực chế biến, chưa áp dụng mạnh mẽ công nghệ sơ chế, bảo quản chống tổn thất sau thu hoạch, cùng với hệ thống giám sát chất lượng chuẩn mực thì chưa có hiệu quả. Đặc biệt, hiện nay đang có sự hội nhập sâu rộng, nhiều nông sản chủ lực của địa phương đang phải cạnh tranh ngay chính trên sân nhà với các sản phẩm ngoại nhập của Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản… thì yêu cầu nâng cao chất lượng từ khâu sản xuất đến chế biến đòi hỏi càng gắt gao hơn. Trong đó, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ khi làm đất, gieo hạt thu hoạch, chế biến, bảo quản và đến tay người tiêu dùng đang là yêu cầu và đòi hỏi cấp bách. Chỉ có phát triển theo hướng đó thì nông sản mới nâng cao được giá trị gia tăng, đồng thời tạo được thương hiệu trên thị trường.
NGÔ GIA