.

Nghĩ nhân ngày nắng nóng

Cập nhật: 16:26, 07/05/2019 (GMT+7)

Đang là cao điểm nóng bức, khắp nước nắng như dội lửa, người dân phải dùng điện nhiều hơn để làm mát. Theo số liệu của ngành điện, trong cuối tháng 3 đầu tháng 4, lượng điện tiêu thụ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng vọt, ngày cao nhất tăng 34,8% (Hà Nội) và 26,8% (TP. Hồ Chí Minh) với khối lượng tăng mỗi nơi hàng chục triệu kWh/ngày.

Hãy tạm gác sang một bên bức xúc của hàng triệu khách hàng về việc Tập đoàn Điện lực (EVN) nhằm đúng lúc nắng nóng ngặt nghèo này để tăng giá điện thêm 8,36%, khiến hóa đơn tiền điện tăng gấp rưỡi đến gấp đôi. Và hãy tự “làm mát” bằng suy nghĩ nắng nhiều như thế mà tại sao chúng ta chưa lắp tấm pin mặt trời trên mái nhà để vừa chống nóng (theo đúng nghĩa đen), vừa tự làm ra điện để xài, đỡ phải tốn tiền mua điện của nhà đèn?

Trên mái các nhà dân hiện nay, có một hệ thống lúc ban đầu cũng còn lạ lẫm, bỡ ngỡ với nhiều người, nhưng sau đó nhanh chóng trở thành quen thuộc và được các hộ dân lắp đặt phổ biến, đó là giàn nước nóng dùng năng lượng mặt trời. Những tấm pin đặt trên mái nhà để biến ánh nắng mặt trời thành điện dùng cho hộ gia đình gọi là điện mặt trời áp mái. Với ưu điểm như  không tốn diện tích đất, giúp chống nóng cho các công trình, dễ lắp đặt, dễ đấu nối vào lưới điện, giảm quá tải cho lưới điện,  quy mô nhỏ, vốn đầu tư không lớn, nhiều cá nhân, tổ chức dễ tham gia nên điện mặt trời áp mái được coi là lựa chọn hợp lý của khu vực đô thị.

Sản xuất điện mặt trời là lĩnh vực công nghiệp mới nằm trong chiến lược phát triển năng lượng của quốc gia, nó đi liền với những dự án của các nhà đầu tư lớn, còn điện mặt trời áp mái là mảng phụ trợ nhưng có tác dụng quan trọng. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/2015/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhiều tỉnh có điều kiện đang tích cực xúc tiến các dự án đầu tư những nhà máy công suất lớn sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời bằng vốn trong nước và nước ngoài, như các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Trong khi đó, TP.HCM tập trung phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Theo Điện lực TP.Hồ Chí Minh, đến nay đã có 1.379 khách hàng trên địa bàn thành phố lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt 16,68 MW. Còn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tại TP.Hồ Chí Minh có hơn 316.500 mái nhà có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời, tổng  công suất đạt khoảng 6.379 MWp (100 Wp = 50W).

Người viết bài này đã thấy lác đác một số hộ dân ở TP. Vũng Tàu lắp đặt điện mặt trời áp mái, nhưng số này chưa nhiều - có thể vì trước đây, giá thiết bị còn rất đắt, việc bán điện dư thừa cho ngành điện còn nhiêu khê. Nhưng nay, giá mua của ngành điện đã bảo đảm cho người bán điện mặt trời có lời (2.134 đ/kWh), doanh thu bán điện dưới 100 triệu đồng một năm không phải đóng thuế, giá dịch vụ lắp đặt thiết bị rẻ (giảm còn bằng 30% so với năm 2010 và có khả năng giảm nữa để tăng tính cạnh tranh), nhiều người tin rằng tới đây sẽ là thời gian “bùng nổ” của điện mặt trời áp mái trên cả nước, tất nhiên trong đó có một nơi nắng nhiều như BR-VT.

Nhưng, nói “nắng nhiều” nghe có phần cảm tính. Trước khi bắt tay vào việc, chúng ta cần có số liệu để đánh giá tính khả thi của việc ứng dụng điện mặt trời áp mái, tính toán được công suất do điện mặt trời áp mái tạo ra, lượng điện mặt trời đóng góp vào lưới điện, tuyên truyền, kêu gọi người dân, doanh nghiệp (gọi chung là các nhà đầu tư) hưởng ứng làm điện mặt trời và ban hành các chính sách khuyến khích, cung cấp thông tin về các nhà cung cấp dịch vụ uy tín và giá lắp đặt thiết bị điện mặt trời áp mái, v.v… Những nội dung này, ngành điện và ngành khoa học-công nghệ của tỉnh phải chủ trì tham mưu, đề xuất với tỉnh và giải đáp cho nhà đầu tư.

Nếu đã lựa chọn con đường phát triển sạch và xanh, thì tỉnh BR-VT, nhất là TP. du lịch Vũng Tàu, chắc chắn phải tìm cách sử dụng nguồn tài nguyên phong phú và không mất tiền là ánh nắng mặt trời.

HẢI THANH
 
.
.
.