.

"Hãy đi cho đến cuối con đường"

Cập nhật: 18:29, 03/05/2019 (GMT+7)

Cuối tháng 4 vừa qua, nhiều người dân tại đường Yên Bái (phường 4, TP.Vũng Tàu) và khu vực lân cận đã vô cùng sốc khi đang đêm bất ngờ nghe tiếng nổ lớn phát ra từ một căn nhà trên tuyến đường này. Theo thông tin ban đầu, vụ nổ được xác định do anh H. tự tử bằng việc xả van bình gas và châm lửa đốt, anh H. đã tử vong tại chỗ, còn căn nhà thì gần như vỡ tung.

Một câu chuyện đau lòng mà không ai muốn nhắc hay nhớ lại, anh H. là người đã ra đi vĩnh viễn và dĩ nhiên, không còn cảm nhận nỗi đau của cuộc đời này, trong đó có nỗi đau mà vợ, con, người thân, bạn bè của anh H. phải chịu đựng từ quyết định thiếu lý trí của anh.

Trước đó, trên mạng xã hội đã lan truyền clip về vụ việc một bé trai tầm tuổi học sinh THPT đã nhảy cầu tự tử ngay trước mắt mẹ của mình. Bà mẹ chỉ hụt vài giây thôi có thể đã có cơ hội ôm chặt con trai mình vào lòng, thay vì phải đập đầu xuống đất vì quá đau đớn… Cậu bé đã ra ra đi vĩnh viễn và dĩ nhiên, cũng không còn cảm nhận được nỗi đau tột cùng đó của người mẹ, có lẽ là người yêu thương cậu nhất trên đời.

Nếu như anh H. hay cậu học trò nhỏ có một vài phút giây thôi để chứng kiến, cảm nhận sự đau đớn đến tột cùng, hậu quả to lớn chừng nào do hành động tự tước đi mạng sống của mình để lại cho người thân của mình thì chắc gì đã dám làm việc đó? Dù sao đây cũng chỉ là giá như, bởi, tự tử từ trước đến nay vẫn diễn ra, ngày một nhiều hơn. Những vụ việc ấy được chuyển tải để cảnh báo, để những người đã từng hoặc đang, sẽ có ý định rút ra bài học và từ bỏ hành vi tự tử.

Tôi từng chứng kiến một ca cấp cứu cô gái trẻ tự tử bằng cả vốc thuốc ngủ, bác sĩ đã phải thức trắng đêm để súc rửa ruột, tìm mọi cách để giữ lại tính mạng cho cô. Khi được cứu sống, cô gái trẻ ấy đã ôm lấy mẹ mình mà khóc mãi không thôi, và chỉ luôn miệng nói rằng “con xin lỗi mẹ, con hứa không bao giờ dại dột như thế nữa…”.

“Nếu như/giá như…” luôn là cụm từ được nhắc đến bởi nhiều người khi “sự đã rồi” và cụm từ ấy bày tỏ sự tiếc nuối, ân hận vì trước đó mình/hoặc ai đó đã không làm, hoặc làm điều gì chưa đúng để dẫn đến hậu quả không như ý muốn, hậu quả ấy ảnh hưởng đến gia đình, xã hội. Những người là “nạn nhân của chính mình” ấy chắc chắn không bao giờ còn có cơ hội để “nếu như…” và chỉ những người ở lại mới có cơ hội để rút cho mình một bài học, rằng đừng tạo ra những vết thương không bao giờ kín miệng; đừng buông tay, bỏ cuộc giữa chừng khi con đường phía trước còn biết bao điều tốt đẹp đang chờ đợi.

Theo pháp luật hiện hành, các quyền của con người như quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc,… được quy định trong Hiến pháp; quyền nhân thân được quy định trong Luật dân sự; các quyền công dân khác được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, tuyệt không có quy định về “quyền được chết” (hay nói đúng hơn là tự tử). Cụ thể, căn cứ vào Điều 19 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật”. Pháp luật quy định: Cuộc sống của một người chỉ bị tước đoạt (hoặc được chết) thông qua việc Tòa án xét xử và cho thi hành án phạt tử hình. Như vậy, pháp luật Việt Nam không cho phép một người có “quyền được chết” để chấm dứt cuộc sống của mình. Tự tử là hành vi vi phạm hiến pháp, pháp luật. Dù rằng, hiện vẫn chưa khép tội đối với hành vi này mà chỉ có quy định đối với hành vi “Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát”.

Dưới góc nhìn của đạo Phật, người tự tử là người có tội giết người, thậm chí tội giết mình còn nặng hơn giết người khác, vì chính mình mà mình còn tự làm khổ và không thương xót thì có ai mà mình thương được và có ai mà mình không dám từ bỏ.

Theo các chuyên gia tâm lý, với áp lực từ cuộc sống hiện đại, tự tử đang có xu hướng ngày càng gia tăng và là vấn nạn của xã hội. Bên cạnh các giải pháp ngăn ngừa, thì bản thân mỗi người cần phải biết tự điều chỉnh, cân bằng cuộc sống của mình, rèn luyện về ý chí để vượt qua mọi trở ngại, không tìm đến cái chết dù ở hoàn cảnh nào, vì bất cứ lý do gì. Cũng cần tăng cường chương trình giáo dục kỹ năng sống cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, trong đó có nội dung đối đầu với khó khăn, vượt qua áp lực cuộc sống để mạnh mẽ vươn lên, để không ai phải chịu mất mát, tổn thương không đáng có, bởi tự tử có thể phòng ngừa được. Và dù có bất hạnh đến đâu, khó khăn tới cỡ nào thì được sống đã là một niềm hạnh phúc.

Hãy đừng bỏ cuộc giữa chừng khi ta là món quà vô giá mà đấng sinh thành đã ban tặng, vì vậy, trách nhiệm, nghĩa vụ của ta là đi đến cuối con đường với tất cả ý chí, nghị lực, biết đón nhận và hướng đến những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời này.

SƠN TRÀ

.
.
.